HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Vang mãi lời Tuyên ngôn Độc lập
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Ngày Tết Độc lập đầu tiên ấy mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước quật cường của dân tộc như một ngày chói lọi nhất. Từ đây, nước nhà có độc lập, người Việt Nam được tự do.
Suốt 74 năm qua, để giữ gìn sự độc lập, tự do ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những cuộc kháng chiến vĩ đại, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn. Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc lâu dài và gian khổ ấy, biết bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống. Trên khắp dải đất hình chữ S thiêng liêng này, nơi đâu cũng có những người hy sinh vì nước, vì dân.
Cái giá của độc lập, tự do không gì đong đếm được bởi nó được hình thành bằng chính máu xương của cha ông, hết thế hệ này đến thế hệ khác đem thân mình ra để giành lấy và gìn giữ. Vì thế, giá trị ấy càng trở nên linh thiêng đúng như những vần thơ Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt!/ Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.
Và cũng chính vì thế, mà Tết Độc lập là ngày mà dọc từng những con phố nhỏ cho đến những con đường rộng lớn, từ Thủ đô cho đến các miền quê xa xôi - đâu đâu cũng tràn ngập sắc đỏ của lá cờ Việt Nam. Niềm vui của Ngày Quốc khánh - Tết Độc lập hiện diện từ ánh mắt, nụ cười, gương mặt của bao thế hệ người Việt Nam suốt hơn bảy thập niên qua. Bởi ai cũng hiểu rằng, ngày Tết đặc biệt ấy là thành quả cách mạng vĩ đại do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là hạnh phúc của người dân Việt Nam. Vậy nên, bổn phận của mỗi người dân là làm cho niềm hạnh phúc ấy ngày càng lan tỏa. Màu đỏ của lá cờ thắm máu cha ông trở thành một động lực, niềm tin nâng bước chúng ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết một lòng phấn đấu, không ngại hi sinh, gian khổ, kiến thiết và làm chủ vận mệnh của đất nước. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị, trật tự xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Vị thế đất nước không ngừng được nâng cao, mở ra những triển vọng ngày càng tốt đẹp.
Đặc biệt, hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tích cực chuẩn bị những công việc cần thiết tiến tới tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Và điều đáng mừng là những gì Ðảng, Nhà nước đã làm được, kể từ Ðại hội XII trong việc thống nhất và tập trung làm trong sạch bộ máy, loại trừ tham nhũng, khắc phục yếu kém, khơi dậy tiềm năng và ý chí phát triển, đang dấy lên niềm hy vọng vào một cơ hội mới, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân.
Chúng ta tự hào với tất cả những gì chúng ta đã đạt được, song cũng không khỏi trăn trở, day dứt trước những gì chúng ta chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn. Điều này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 50 năm Người đi xa (2/9/1969 - 2/9/2019) diễn ra ngày 30/8 mới đây.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thừa nhận: “Không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe doạ tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu, ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, yếu kém, tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, không say sưa với thắng lợi, hay bi quan dao động trước thử thách, khó khăn”.
Vì vậy, người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta nêu rõ: “Ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta càng cần phải thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn bao giờ hết, càng cần phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; chăm lo xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, xứng đáng là đội tiên phong, là Đảng cầm quyền, ngang tầm nhiệm vụ”…
Ngày Quốc khánh - Tết Độc lập, mỗi người dân Việt Nam đều có quyền tự hào về thành quả cách mạng, tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc anh hùng và cũng là dịp nhắc nhở Đảng, Nhà nước và nhân dân thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước bằng những hành động cụ thể, thiết thực..., từng bước khắc phục những hạn chế đang tồn tại.
75 năm đã qua nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn vang vọng non sông, thấm sâu vào trái tim người Việt Nam. Mùa thu năm ấy, mùa thu cách mạng đầy hào khí sôi sục và náo nức mãi là nguồn động lực tinh thần mạnh mẽ cổ vũ quân và dân ta trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước./.
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản
THEO DÒNG LỊCH SỬ - NGÀY NÀY NĂM ẤY
- 02/9/1945: Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- 02/9/1969: Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần.
- 12/9/1930: Xô Viết Nghệ Tĩnh.
- 20/9/1977: Việt Nam trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc.
- 23/9/1977: Nam Bộ kháng chiến.
- 27/9/1940: Khởi nghĩa Bắc Sơn.
- 30/9/1988: Kỷ niệm ngày mất của đồng chí Trường Chinh.
02/9/1945: Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Cách mạng tháng tám thành công, Trung ương Đảng phái đồng chí Lê Đức Thọ lên chiến khu đón chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm. Sau đó Người về ở nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội.
Tại cuộc họp của chính phủ lâm thời, theo đề nghị của Người một chính phủ thống nhất toàn quốc thể hiện ở chính sách đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ được thành lập.
Buổi trưa ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, trong cuộc mít tinh của trên 50 vạn nhân dân Hà Nội và vùng lân cận chào mừng chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời. Bản tuyên ngôn độc lập khẳng định:
“Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!...Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tuyên ngôn độc lập do chủ tịch Hồ Chí Minh viết là sự phát triển của bản yêu cầu mà Người gửi cho hội nghị hòa bình ở Vec-xây năm 1919, là sự phát triển của chương trình Việt Minh mà người soạn thảo năm 1941. Nó là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam và nói lên tâm hồn trong sáng, khí phách hào hùng của nhân dân ta.
“Bản tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trên những hải đảo xa xôi, trên những máy chém, trên chiến trường. Bản tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam” (Trần Dân Tiên - những mẩu chuyện về đời hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh).
Ngày độc lập 02/9/1945 là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện độc lập, tự do và hạnh phúc.
Từ đó, ngày 02/9 trở thành ngày quốc khánh của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguồn: www.baotangtonducthang.com
CHUYÊN MỤC: Thanh niên với Pháp luật
(Các chính sách, pháp luật có hiệu lực từ tháng 9/2020)
Nghị định 84 quy định một số điều chi tiết của Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, Chính phủ đã có hướng dẫn mới về thời gian nghỉ hè của giáo viên các cấp.
Cụ thể, giáo viên mầm non, giáo viên các cấp phổ thông, trường chuyên biệt được nghỉ hè 08 tuần bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Giáo viên trường trung cấp và giảng viên cao đẳng được nghỉ hè 06 tuần gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Riêng trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn