TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 4/2021
Thứ hai - 05/04/2021 03:06
I. HỎI ĐÁP VỀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 – 2026
1. Hỏi đáp về bầu cử Đại biểu Quốc hội
Câu 1: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có ý nghĩa chính trị như thế nào?
Trả lời: Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và thành lập cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương nói riêng.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Câu 2: Quốc hội có vị trí như thế nào trong bộ máy nhà nước ta? Tại sao nói Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?
Trả lời: Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội, hoạt động của công dân; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, bởi vì theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Điều đó có nghĩa nhân dân là người chủ của quyền lực nhà nước. Quốc hội là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ có Quốc hội mới có quyền biến ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc, tính cưỡng chế nhà nước đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội.
Câu 3: Tại sao nói Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân?
Trả lời: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân được thể hiện ở các mặt sau đây:
- Quốc hội là cơ quan nhà nước duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bầu cử đại biểu Quốc hội là kết quả lựa chọn thống nhất của nhân dân cả nước;
- Quốc hội gồm các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Quốc hội là sự thể hiện rõ nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho trí tuệ của nhân dân cả nước;
- Quốc hội có nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân và dân tộc, nói lên tiếng nói của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước;
- Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia cũng như các vấn đề trọng đại của đất nước.
Câu 4: Quốc hội có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Trả lời: Hiến pháp và pháp luật quy định Quốc hội có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh;
- Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
- Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;
- Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;
- Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương;
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;
- Quyết định thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
- Bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội;
- Quyết định đại xá;
- Quy định hàm, cấp trong các đơn vị vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;
- Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;
- Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký; phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế khác đã được ký kết hoặc gia nhập theo đề nghị của Chủ tịch nước;
- Quyết định việc trưng cầu ý dân.
Câu 5: Nhiệm kỳ của Quốc hội là bao nhiêu năm?
Trả lời: Nhiệm kỳ mỗi khóa Quốc hội là năm năm. Nhiệm kỳ được tính từ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau.
Trong trường hợp đặc biệt, Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Ví dụ Quốc hội khóa XII rút ngắn nhiệm kỳ xuống còn 4 năm (2007 - 2011).
Câu 6: Tại sao nói bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân?
Trả lời: Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.
Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
Câu 7: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo những nguyên tắc nào?
Trả lời: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đó cũng là những tư tưởng chỉ đạo trong việc tổ chức bầu cử, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Các nguyên tắc này thể hiện tính chặt chẽ, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tiến hành bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn. Nguyên tắc bầu cử yêu cầu phải quy định rõ quyền và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử, trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm các quy định về bầu cử.
Câu 8: Thế nào là nguyên tắc phổ thông trong bầu cử?
Trả lời: Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Câu 9: Đại biểu Quốc hội có những tiêu chuẩn gì?
Trả lời: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội thì việc quy định tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là cần thiết, làm cơ sở để cử tri lựa chọn và bầu ra được những đại biểu đủ đức, đủ tài, xứng đáng làm đại biểu Quốc hội. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là:
1. Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;
3. Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;
4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Câu 10: Những người nào được gọi là cử tri?
Trả lời: Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - là người có quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày bầu cử (Ngày 23 tháng 5 năm 2021), đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.
Câu hỏi tình huống: Anh X sinh ngày 22/5/2003. Nghe báo đài đưa tin, Ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026, vậy anh X có đủ tuổi tham gia bầu cử hay không?
Trả lời: Theo Quy định Luật bầu cử đai biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - là người có quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày bầu cử đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.
Do ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là ngày 23/5/2021, nên tính đến ngày 23/5/2021, anh X đã đủ 18 tuổi thỏa mãn độ tuổi được tham gia bầu cử.
Câu 11: Những người nào không được ghi tên vào danh sách cử tri?
Trả lời: Những người không được ghi tên vào danh sách cử tri là người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự.
Người đang bị tạm giam nói trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội là những bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự tuy chưa phải là những người bị Toà án kết án nhưng do tính chất của vụ án hình sự và theo những căn cứ quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự thì họ bị hạn chế quyền tự do để phục vụ yêu cầu điều tra, xét xử hoặc để bảo đảm thi hành án phạt tù.
Câu 12: Trường hợp nào bị xóa tên khỏi danh sách cử tri?
Trả lời: Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù, bị bắt tạm giam hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án nhân dân hoặc cơ quan hữu quan phải thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đã lập danh sách cử tri để xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
Câu 13: Việc niêm yết danh sách cử tri được tiến hành như thế nào?
Trả lời: Chậm nhất là ba mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri phải niêm yết danh sách đó tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và những nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra.
Câu 14: Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu thấy có sai sót thì trong thời hạn hai mươi lăm ngày, kể từ ngày niêm yết, mọi người có quyền khiếu nại bằng miệng hoặc bằng văn bản với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.
Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết của cơ quan lập danh sách cử tri thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán thụ lý ngay vụ án. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu kiện, Tòa án nhân dân phải giải quyết xong. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đình chỉ vụ án và trả lại đơn kiện. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà xét xử. Quyết định của Tòa án là quyết định cuối cùng.
Câu 15: Cử tri đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền bầu cử ở nơi khác không?
Trả lời: Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi mới đến. Ở những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập danh sách cử tri và cấp giấy chứng nhận "Đi bỏ phiếu nơi khác". Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân phải ghi ngay vào danh sách bên cạnh tên cử tri “Đi bỏ phiếu nơi khác”.
Câu 16: Người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội?
Trả lời: Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội là:
- Người chưa đủ 21 tuổi.
- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Người đang bị khởi tố về hình sự;
- Người đang phải chấp hành bản án, quyết định hình sự của Toà án;
- Người đang bị tạm giam;
- Người mất năng lực hành vi dân sự;
- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Toà án nhưng chưa được xoá án;
- Người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính.
Người đã có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vi phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc chết, thì Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo ngay cho Hội đồng bầu cử để xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Trường hợp người ứng cử đã được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng trong thời gian Hội đồng bầu cử chưa công bố danh sách này mà người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xoá tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu; Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau khi trao đổi ý kiến với Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xoá tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giới thiệu.
Câu 17: Ngày bầu cử được quy định như thế nào?
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiêu sớm hơn ngày Quy định thì Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.
Căn cứ vào Quy định nói trên, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 quyết định rõ Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021.
Câu 18: Việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào? Việc bỏ phiếu có thể bắt đầu sớm và kết thúc sớm hoặc muộn hơn không? Ai có quyền quyết định?
Trả lời: Trong ngày bầu cử đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, công bố, việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu từ 7 giờ sáng và thực hiện liên tục đến 7 giờ tối cùng ngày. Đây là khoảng thời gian thuận lợi và phù hợp nhất đối với mọi người trong ngày. Tuy nhiên, tuỳ tình hình thực tế ở địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn, nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không quá 09 giờ tối cùng ngày.
Trong ngày bầu cử, các thành viên của Tổ bầu cử phải đến sớm hơn 7 giờ sáng hoặc sớm hơn giờ khai mạc mà Tổ đã quy định để kiểm tra nơi bỏ phiếu và tiến hành khai mạc cuộc bỏ phiếu.
Khi đã hết giờ bỏ phiếu, nếu còn cử tri ở phòng bỏ phiếu mà chưa kịp bỏ phiếu thì chỉ sau khi số cử tri này bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử mới được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu.
Câu 19: Cử tri có được bầu cử thay không?
Trả lời: Việc bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc trực tiếp, theo đó cử tri phải tự mình đi bầu, trực tiếp viết phiếu bầu và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Cử tri không được bầu bằng cách gửi thư hoặc nhờ người khác bầu thay.
Trong trường hợp do ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu và bầu; nếu không tự mình viết được phiếu bầu thì được phép nhờ người khác viết hộ, nhưng cử tri phải tự bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trong trường hợp đặc biệt vì lý do sức khỏe, tàn tật mà cử tri không thể tự bỏ phiếu thì được phép nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Câu 20: Những phiếu bầu cử nào là phiếu hợp lệ?
Trả lời: Những phiếu bầu cử sau đây là phiếu hợp lệ:
- Phiếu bầu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát, có dấu của Tổ bầu cử;
- Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu;
- Phiếu bầu gạch tên ứng cử viên không được tín nhiệm bằng cách gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang, nhưng phải gạch hết họ và tên.
Câu 21: Những phiếu bầu cử nào là phiếu không hợp lệ?
Trả lời: Những phiếu bầu cử sau đây là phiếu không hợp lệ:
- Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát;
- Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;
- Phiếu để số người được bầu quá số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu (ví dụ được bầu 2 đại biểu mà để tên 3 người);
- Phiếu gạch, xoá hết họ, tên tất cả những người ứng cử;
- Phiếu ghi tên người ngoài danh sách những người ứng cử; phiếu có viết thêm; phiếu gạch vào khoảng cách giữa họ và tên hai ứng cử viên; phiếu khoanh tròn họ và tên ứng cử viên.
2. Hỏi đáp về bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân
Câu 1: Đại biểu Hội đồng nhân dân cần có những tiêu chuẩn gì?
Trả lời: Đại biểu Hội đồng nhân dân là nhân tố quyết định chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, vì vậy tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân là điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
+ Theo quy định tại Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân cần có đủ năm tiêu chuẩn sau:
- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng, phát triển địa phương;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, tự giác làm theo pháp luật mọi nơi mọi lúc, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;
- Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân, có khả năng tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật; am hiểu tình hình kinh tế - xã hội để tham gia quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương;
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
+ Theo quy định tại Văn bản số 01-HD/BTCTW ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng hướng dẫn về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016, không đưa vào danh sách bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân những người vi phạm Quy định số 57-HD/TW ngày 03 tháng 7 năm 2007 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.
Câu 2: Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Trả lời: Theo quy định tại các điều 36, 38, 39, 40, 41 và 42 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Phải gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trách nhiệm tham gia vào việc quản lý nhà nước ở địa phương và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Hội đồng nhân dân, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân;
- Liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình và chịu sự giám sát của cử tri; có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri;
- Có trách nhiệm báo cáo với cử tri kết quả của kỳ họp Hội đồng nhân dân, phổ biến và giải thích các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng nhân dân thực hiện các Nghị quyết đó;
- Có trách nhiệm trả lời các yêu cầu, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu các khiếu nại, tố cáo của cử tri để kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo biết;
- Có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp;
- Có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân kịp thời chấm dứt việc làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của nhân viên cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;
- Có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước về việc thi hành pháp luật, chính sách chung của Nhà nước và những vấn đề thuộc lợi ích chung;
- Có quyền đề nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do Hội đồng nhân dân bầu.
Câu 3: Tại sao nói bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của cử tri?
Trả lời: Ở nước ta, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của cử tri, bởi vì:
- Cử tri tham gia bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là thực hiện quyền cơ bản về bầu cử và ứng cử của công dân - những quyền chính trị cơ bản trong một nhà nước dân chủ được Hiến pháp quy định.
- Thông qua bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri vừa thực hiện quyền chính trị của công dân đồng thời thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương bằng việc lựa chọn, giới thiệu và bầu người được nhân dân tín nhiệm vào Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Câu 4: Thẻ cử tri của công dân được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 19 Nghị quyết số 1020/2011/UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:
- Thẻ cử tri của công dân ở xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập danh sách cử tri ký tên và đóng dấu.
- Thẻ cử tri của quân nhân ở đơn vị vũ trang nhân dân do Chỉ huy đơn vị ký tên và đóng dấu.
- Đối với những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ký tên, đóng dấu thẻ cử tri của những công dân này.
Câu 5: Những người tạm vắng khỏi nơi cư trú kể từ ngày niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bỏ phiếu vì các lý do khác nhau thì ghi tên vào danh sách cử tri ở đâu để thực hiện quyền bầu cử?
Trả lời: Đối với cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân đang đi công tác và những người di cư tự do, đi lao động, làm việc, đi thăm người thân, đi du lịch:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 1020 /2011/UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân đang đi công tác và những người di cư tự do, đi lao động, làm việc, đi thăm người thân, đi du lịch ở nơi nào thì xuất trình với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi mới đến Thẻ cử tri hoặc Giấy chứng nhận “Đi bỏ phiếu nơi khác” do Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc do chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân cấp để được ghi tên bổ sung vào danh sách cử tri, tham gia bỏ phiếu ở nơi đó và được tính vào tổng số cử tri ở nơi mới đến.
Nếu họ chưa có Thẻ cử tri hoặc Giấy chứng nhận “Đi bỏ phiếu nơi khác” thì Uỷ ban nhân dân cấp xã yêu cầu những người này liên hệ với Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân nơi lập danh sách cử tri trước ngày niêm yết danh sách cử tri để nhận Thẻ cử tri hoặc Giấy chứng nhận “Đi bỏ phiếu nơi khác” để được bầu cử ở nơi mới đến.
- Đối với công dân Việt Nam công tác, lao động, học tập, du lịch, thăm người thân hoặc định cư ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bỏ phiếu hai mươi bốn giờ: Đến Uỷ ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để ghi tên vào danh sách cử tri và nhận Thẻ cử tri để được bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú); được bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký hộ khẩu tạm trú).
Câu 6: Trường hợp nào thì cử tri được nhờ người khác viết hộ phiếu bầu? Người được nhờ viết phiếu hộ có trách nhiệm gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 50 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu.
Người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Nếu vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì cử tri có thể nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
II. CÁC MỐC THỜI GIAN BẦU CỬ
- Chậm nhất ngày 07/02/2021 (105 ngày trước ngày bầu cử):
+ Thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố;
+ Thành lập Ủy ban bầu cử cấp huyện, Ủy ban bầu cử cấp xã.
- Chậm nhất là ngày 17/02/2021 (95 ngày trước ngày bầu cử): Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
- Khoảng từ ngày 22/02/2021 đến 27/02/2021 (85 - 90 ngày trước ngày bầu cử): Các địa phương gửi dự kiến danh sách đơn vị bầu cử ở địa phương mình về Hội đồng bầu cử quốc gia.
- Chậm nhất ngày 04/3/2021 (80 ngày trước ngày bầu cử):
+ Công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.
+ Công bố số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu dự kiến được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.
- Chậm nhất ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử):
+ Thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội;
+ Thành lập Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã.
- Chậm nhất là 17 giờ ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử): Kết thúc việc tiếp nhận, xem xét hồ sơ người ứng cử.
- Chậm nhất là ngày 19/3/2021 (65 ngày trước ngày bầu cử): Hội nghị hiệp thương lần thứ 2.
- Chậm nhất ngày 03/4/2021 (50 ngày trước ngày bầu cử): Thành lập Tổ bầu cử.
- Ngày 13/4/2021 (40 ngày trước ngày bầu cử): Niêm yết danh sách cử tri.
- Chậm nhất là ngày 18/4/2021 (35 ngày trước ngày bầu cử): Hội nghị hiệp thương lần thứ 3.
- Chậm nhất là ngày 28/4/2021 (25 ngày trước ngày bầu cử): Công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
- 10 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 13/5/2021): Ngừng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
- Trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ (tức ngày 22/5/2021): Kết thúc vận động bầu cử.
- Ngày 23/5/2021: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
- Chậm nhất là ngày 02/6/2021 (10 ngày sau ngày bầu cử): Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã.
- Chậm nhất là ngày 12/6/2021 (20 ngày sau ngày bầu cử): Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội.
- Các địa phương tiến hành tổng kết cuộc bầu cử từ sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử cho đến trước ngày 22/6/2021.
Nguồn: thuvienphapluat.vn
III. TUYÊN TRUYỀN MỘT SỐ NGÀY KỶ NIỆM TRONG THÁNG 4/2021
1. Kỷ niệm 114 năm ngày sinh của đồng chí Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2021)
Họ và tên: Lê Duẩn
Tên gọi khác: Lê Nhuận, Anh Ba
Ngày sinh: 07/4/1907
Ngày mất: 10/7/1986
Quê quán: Xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Năm 1928, đồng chí tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.
Năm 1930 trở thành một trong những Đảng viên đầu tiên của Đảng.
Năm 1931, đồng chí là uỷ viên Ban Tuyên huấn Xứ uỷ Bắc Kỳ và cũng trong năm đó, đồng chí bị địch bắt tại Hải Phòng, bị kết án 20 năm tù cấm cố và lần lượt bị giam ở các nhà lao Hà Nội, Sơn La và Côn Đảo. Tại các nhà tù này, đồng chí tham gia các cuộc đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc và tổ chức việc học tập chính trị.
Năm 1936, do cuộc đấu tranh của nhân dân ta và thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, chính quyền thực dân ở Đông Dương buộc phải trả tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Ra khỏi nhà tù, đồng chí ra sức hoạt động cách mạng ở các tỉnh miền Trung, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương nhằm động viên, tập hợp quần chúng đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống nguy cơ phát xít và chiến tranh.
Năm 1938, đồng chí Lê Duẩn giữ chức Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ và từ đó đến năm 1939, hoạt động tích cực của đồng chí góp phần quan trọng đưa tới cao trào đấu tranh sôi nổi trọng cả nước.
Năm 1939 đồng chí được cử làm Uỷ viên Trung ương Đảng.
Năm 1940, đồng chí bị địch bắt ở Sài Gòn, bị kết án mười năm tù và đày đi Côn đảo lần thứ hai cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền, tham gia cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Năm 1946, ra Hà Nội làm việc, góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp. Cuối năm đó, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.
Từ năm 1946 đến 1954, làm Bí thư Xứ uỷ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Từ năm 1954 đến 1957, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí trở lại miền Nam làm Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ.
Năm 1958, Trung ương cử đồng chí vào Ban Bí thư và chủ trì công việc của Ban Bí thư. Năm 1960 tại Đại hội lần thứ III, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương đồng chí Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị, cũng tại Đại hội này, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất.
Suốt 15 năm trên cương vị này, đồng chí cùng với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12 năm 1976) và lần thứ V (tháng 3 năm 1982), đồng chí Lê Duẩn được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư.
Đồng chí Lê Duẩn là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII.
Đồng chí từ trần 10/7/1986.
Nguồn: tulieuvankien.dangcongsan.vn
2. Kỷ niệm Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.
Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.
Từ xa xưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.
Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.
Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.
Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).
Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ thể như sau:
- “Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”; Bộ Văn hoá - Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.
- “Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.
- “Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.
Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.
Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Nguồn: danviet.vn
3. Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021).
Mùa Xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam ta đã ghi một chiến công vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử anh hùng của dân tộc: sau 55 ngày đêm tiến công thần tốc đã quét sạch toàn bộ chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng miền Nam thân yêu, giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước.
Tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Mặc dầu đã bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai vẫn ngoan cố theo đuổi âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới lên toàn bộ miền Nam nước ta. Chúng đã trắng trợn chà đạp hầu hết các điều khoản chủ yếu của Hiệp định, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới trên quy môn lớn bằng các kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ" và những cuộc hành quân "bình định" lấn chiếm vùng giải phóng, chồng chất muôn vàn tội ác đối với đồng bào ta.
Đánh giá đúng âm mưu của kẻ thù, Đảng ta nhận định rằng, bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng phải là con đường bạo lực, kiên quyết dùng chiến tranh cách mạng đánh bại cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ - ngụy.
Sau hai năm 1973, 1974 và nhất là từ chiến thắng giải phòng toàn tỉnh Phước Long, cục diện chiến trường miền Nam đã thay đổi một cách căn bản, có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tháng 10-1974 và đầu năm 1975, đã kịp thời đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, vạch rõ sự xuất hiện của thời cơ lịch sử và hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt mùa Xuân năm 1975.
Ngày 10-3-1975 cuộc Tổng tiến công chiến lược và nổi dậy vĩ đại được mở đầu bằng trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ của quân ta vào thị xã Buôn Mê Thuột - một vị trí then chốt, hiểm yếu trong hệ thống phòng ngự của quân địch ở Tây Nguyên. Trận đánh trúng huyệt đó đã làm rung chuẩn toàn bộ Tây Nguyên và bắt đầu quá trình sụp đổ không thể cứu vãn nổi của ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn. Sau thất bại nặng nề và choáng váng đó, quân ngụy phải rút khỏi Kon Tum và Plây Cu ngày 24-3, cả vùng Tây Nguyên rộng lớn đã được hoàn toàn giải phóng.
Một cao trào tiến công và nổi dậy đã dâng lên mạnh mẽ ở các tỉnh ven biển miền Trung Trung Bộ. Các tỉnh thành được giải phóng với một nhịp độ dồn dập.
Ngày 24-3, tỉnh Quảng Ngãi với thị xã Quảng Ngãi.
Ngày 28-3, tỉnh Quảng Nam với thị xã Tam kỳ.
Ngày 1-4, tỉnh Bình Định với thị xã Quy Nhơn
Cùng ngày, tỉnh Phú Yên với thị xã Tuy Hòa.
Ngày 2-4, tỉnh Lâm Đồng với thị xã Bảo Lộc
Ngày 3-4, tỉnh Khánh Hòa với thành phố Nha Trang.
Ngày 4-4, tỉnh Tuyên Đức với thành phố Đà Lạt.
Trong khi chiến dịch Tây Nguyên chưa kết thúc, ngay từ trung tuần tháng 3, chiến dịch tiến công lớn thứ hai của quân ta vào tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên - Huế và căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng đã được quyết định. Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng là những khu vực phóng ngự mạnh nhất của quân ngụy ở quân khu I.
Sau 4 ngày chiến đấu và nổi dậy phối hợp của quần chúng, trưa ngày 26-3-1975 quân ta đã tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên - Huế, giải phóng cố đô huế. Trận thắng vẻ vang này đã khẳng định quân ta và dân ta không những có khả năng tiêu diệt những tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở chiến trường rừng núi mà cũng hoàn toàn có khả năng đập tan những tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở thành phố và đồng bằng ven biển.
Ngày 24-3, thị xã Tam Kỳ được giải phóng. Đà Nẵng trở nên hoàn toàn cô lập.
Sau khi mất Huế, Nguyễn Văn Thiệu hò hét quyết "tử thủ" Đà Nẵng bằng bất cứ giá nào. Đà Nẵng là một căn cứ quân sự liên hợp hải, lục không quân hiện đại, mạnh vào bậc nhất ở miền Nam với 10 vạn tên lính. Tàu chiến Mỹ kéo đến rập rình ven biển Đà Nẵng làm lực lượng "ngăn đe".
Sáng ngày 28-3, từ nhiều hướng khác nhau quân ta tiến công dồn dập và mạnh mẽ vào Đà Nẵng. Đông đảo quần chúng và các lực lượng tự vệ, biệt động trong và ngoài thành phố đã nổi dậy mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực. Đúng 15 giờ ngày 29-3, từ các hướng tiến quân các binh đoàn thần tốc của ta đã gặp nhau ở trung tâm Đà Nẵng.
Như vậy, chỉ trong 32 giờ, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn căn cứ quân sự liên hợp mạnh vào bậc nhất của địch. Hệ thống phòng ngự chiến lược mới của địch ở miền Trung bị quét sạch. Quân khu I của ngụy bị xóa sổ. Sau trận đại bại ở Đà Nẵng, quân ngụy lâm vào tình trạng tuyệt vọng. Mỹ và tay sai hết sức kinh hoàng. Tướng Uây-en, cựu tư lệnh quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, được lệnh vội vã sang miền Nam bày mưu, đốc thúc bọn tay sai xây dựng hệ thống phòng thủ mới từ Phan Rang đến Cần Thơ nhằm bảo vệ cho Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của chúng.
Phối hợp với các chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẫng, quân và dân ta đã tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, kịp thời chiếm thị xã An Lộc và giải phóng toàn tỉnh Bình Long, mở rộng vùng giải phóng ở Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Long An, Long Khánh, Bình Tuy và nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.
Với những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ to lớn của chiến dịch Tây Ninh và Huế - Đà Nẵng, cục diện chiến tranh đã có bước phát triển nhảy vọt, thời cơ lớn để tiêu diệt toàn bộ ngụy quân và ngụy quyền đã tới. Từ giữa hạ tuần tháng 3, trong khi chiến dịch Thừa Thiên - Huế sắp kết thúc thắng lợi, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chính thức hạ quyết tâm mở chiến dịch lịch sử có ý nghĩa quyết định nhằm đập tan toàn bộ lực lượng ngụy quân, ngụy quyền còn lại, giải phòng hoàn toàn miền Nam. Chiến dịch lịch sử này được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Tháng 4, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng bắt đầu. Ngày 19-4, quân ta đã hoạt động mạnh trên hướng đông, đánh vào Xuân Lộc (thuộc tỉnh Long Khánh). Ngày 16-4, quân ta giải phóng Phan Rang (Ninh Thuận), tiếp đó lần lượt giải phóng tỉnh bình Thuận với thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Tân với thị xã Hàm Tân. Ngày 21-4, sau những trận chiến đấu ác liệt, quân địch ở Xuân Lộc buộc phải rút chạy. Cùng ngày, Nguyễn Văn Thiệu, tên tay sai đắc lực của Mỹ, buộc phải từ chức và chạy trốn ra nước ngoài.
Ngày 26-4, từ 17 giờ quân ta mở cuộc tiến công lớn trên hướng đông và nam Sài Gòn, xiết chặt vòng vây chung quanh Sài Gòn. Ngày 28-4, không quân ta tiến công sân bay Tân Sơn Nhất.
Đến 28-4, tất cả các cánh quân lớn của ta đã bao vây chặt Sài Gòn. Giờ tận số của chế độ Mỹ - ngụy đã điểm! Hoảng loạn, vội vã, hàng vạn nhân viên quân sự, dân sự và bọn tay sai đầu sỏ tháo chạy khỏi miền Nam. Mỹ đã cố xoay sở cứu vãn tình thế, nhưng chúng đã phải bó tay và cuối cùng phải bỏ cuộc.
Đúng 0 giờ ngày 29-4-1975, các binh đoàn chủ lực hùng mạnh của ta từ nhiều hướng đồng loạt tổng công kích vào Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Với ưu thế áp đảo, quân ta ào ạt tiến công, vừa bao vây tiêu diệt địch ở vòng ngoài, vừa thần tốc, táo bạo thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu quan trọng ở bên trong. Lực lượng tại chỗ và quần chúng trong và ngoài thành phố đã nổi dậy, phối hợp với các binh đoàn chủ lực.
Sáng ngày 30-4, một mũi thọc sâu của quân ta đánh thẳng vào trung tâm thành phố, nhanh chóng chiếm phủ tổng thống ngụy. Ngụy quyền trung ương ở Sài Gòn đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên nóc "dinh Độc Lập" - phủ tổng thống ngụy. Lúc đó đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 lịch sử.
Thừa thắng xông lên, từ ngày 30-4, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy. Toàn bộ lực lượng quân ngụy còn lại đã phải hạ vũ khí đầu hàng. Ngày 1 tháng 5, toàn bộ lãnh thổ trên đất liền miền Nam nước ta đã được hoàn toàn giải phóng. Ngày 2 tháng 5, các đảo Côn Sơn, Phú Quốc được giải phóng. Trước đó, trong tháng 4 quân ta đã giải phóng các hòn đảo dọc bờ biển Trung và Nam Trung Bộ, và những đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân ngụy chiếm giữ.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã toàn thắng. Miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng. Trong 55 ngày đêm chiến đấu dồn dập và thần tốc, anh dũng và táo bạo, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn bộ máy chiến tranh khổng lồ và hiện đại của quân ngụy đông tới 1.351.000 tên, được xếp vào loại mạnh nhất ở Đông Nam á, đã xóa bỏ hoàn toàn bộ máy ngụy quyền từ trung ương tới cơ sở mà Mỹ đã dày công gây dựng và nuôi dưỡng từ hơn hai chục năm nay. Chế độ thực dân mới đã hoàn toàn bị sụp đổ. Tổng tiến công và nỗi dậy mùa Xuân 1975 đã đập tan toàn bộ lực lượng quân sự địch:
1 - Số quân:
- Chủ lực: 690.000 tên
- Địa phương: 353.500 tên
- Cảnh sát: 111.700 tên
- Phòng vệ dân sự: 1.400.000 tên (số có vũ trang 380.000 tên).
2 - Về đơn vị chiến đấu:
- Chủ lực: 13 sư đoàn, 15 trung đoàn, 68 tiểu đoàn, 15 liên đoàn quân biệt động.
- Bảo an: 367 tiểu đoàn và 84 đại đội.
- Dân vệ: 5.200 trung đội.
- Cảnh sát dã chiến: 75 đại đội.
- Quân cảnh: 12 tiểu đoàn và II đại đội.
3 - Lực lượng yểm trợ:
- Pháo binh: 66 tiểu đoàn và 164 trung đội gồm 1.492 khẩu pháo các loại.
- Pháo phòng không: 7 tiểu đoàn gồm 168 khẩu.
- Thiết lập: 22 tiểu đoàn và 51 chi đoàn gồm 2.074 xe tăng, xe bọc thép.
- Không quân: 66 chi đoàn, gần 1.850 máy bay các loại (có 30 chiếc F5E).
+ Máy bay chiến đấu: 22 phi đoàn với 510 chiếc.
+ Máy bay lên thẳng: 25 phi đoàn với 900 chiếc
+ Máy bay vận tải: 5 phi đoàn với 80 chiếc
- Hải quân: 22 trung đoàn với 1.611 tàu các loại.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài nhất, gian khổ nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 117 năm của đế quốc xâm lược trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất và đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Dân tộc ta bước vào kỷ nguyên phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử 4.000 năm của mình - kỷ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa xã hội.
Đối với đế quốc Mỹ, đây là một thất bại nặng nề nhất, nghiêm trọng nhất trong toàn bộ lịch sử 200 năm của nước Mỹ. Thất bại đó đã đánh dấu một thời kỳ suy sụp mới, toàn diện của chủ nghĩa đế quốc Mỹ - "Thời kỳ sau Việt Nam" và khẳng định sự phá sản không tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
Thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính chất thời đại sâu sắc. Thắng lợi đó đã mở ra một thời kỳ mới vô cùng thuận lợi cho phong trào cách mạng thế giới, càng thúc đẩy mạnh mẽ thế tiến công chiến lược của ba dòng thác cách mạng.
Thắng lợi của Việt Nam một lần nữa làm sáng tỏ chân lý vĩ đại: "Trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới ở thế tiến công, một dân tộc nước không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác-Lê-nincó đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, được sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh thắng mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ" (nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng cộng sản Việt Nam).
Nguồn: lichsuvietnam.vn
Nguồn tin: Thành Đoàn Bảo Lộc