Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền, rồi lần lượt đến các tỉnh khác trong cả nước. Cuối tháng 8 năm 1945 Thường vụ Trung ương quyết định đưa Bác về Thủ đô Hà Nội để 1ãnh đạo, giữ vững và củng cố chính quyền non trẻ. Lúc ấy, Bác ốm và rất gầy. Chúng tôi mua ít tim gan nấu cháo cho Bác. Nhưng có thể do không may mua phải tim của lợn gạo nên Bác lại lên cơn sốt cao. Trên đường về Hà Nội có lúc mệt quá, Bác không đi được, anh em dùng vải và đòn tre làm cáng. Nằm trên cáng, người hầm hập nhưng Bác vẫn thấy vui vì đi tới đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng và đồng bào hào hứng hô vang: ''Ủng hộ Việt Minh'', chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm''. Chiều 25 tháng 8, về đến ngoại thành Hà Nội, Bác dừng lại ở làng Phú Gia. Chiều tối chủ nhật, 26 tháng 8 năm 1945 đồng chí Trường Chinh đến đón Bác. Hà Nội hừng hực khí thế cách mạng. Khắp phố phường tràn ngập niềm hân hoan với cờ đỏ sao vàng. Ít ai để ý đến một chiếc xe cũ, màu đen chở Bác chạy từ phía Chèm dọc theo đê Yên Phụ, xuống dốc Hàng Than qua phố Hàng Giấy rồi rẽ Hàng Mã về đến trước số nhà 35 Hàng Cân. Xe đưa Bác vào cổng sau, rồi Bác lên thẳng gác 2 nhà 48 phố Hàng Ngang. Đây là ngôi nhà 3 tầng của ông Trịnh Văn Bô, một thương gia lớn của Hà Nội và là cơ sở của cách mạng. Nhà xây chắc chắn, rất tiện cho công tác bảo vệ. Tầng l và tầng 3 chủ nhà dành để ở và bán hàng. Còn tầng 2 dành cho cách mạng. Lúc này, chủ nhà chưa biết người cách mạng đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đi lên, đi xuống nhiều chủ nhà chỉ thấy một cụ già dáng người gầy nhưng nhanh nhẹn, có đôi mắt sáng lạ thường. Sau này chủ nhà mới biết ngôi nhà của mình có vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay chiều tối hôm sau, 27 tháng 8, tôi (tức Vũ Kỳ) được Trung ương chọn làm thư ký cho Bác. Bác thân mật hỏi tôi:
- Chú tên gì?
Tôi thưa:
- Cháu tên Cần ạ (tên của tôi hồi đó).
Có lẽ tôi xúc động nói không rõ nên Bác nghe thành Cẩn, Bác trìu mến bảo:
- Cẩn à, Cẩn là cẩn thận. Rất tốt.
Sáng hôm sau, Bác lại hỏi tên tôi, tôi thưa rất rõ:
- Cháu là Cần ạ.
Bác tỏ ra rất vui và nói ngay:
- Cần thì càng tốt. Cần là cần, kiệm, liêm, chính.
Đó cũng là niềm mong muốn của Bác về phẩm chất, đạo đức của người cán bộ mà những năm sau này mỗi dịp gặp cán bộ, mỗi khi đến thăm các lớp huấn luyện, Bác đều căn dặn mọi người phải thực hiện cần kiệm, liêm, chính.
Trong căn nhà 48 phố Hàng Ngang chủ nhà dùng căn phòng phía sau trên tầng 2 làm phòng ăn. Giữa phòng kê một chiếc bàn gỗ dài và to, quanh bàn có 8 chiếc ghế tựa đệm mềm. Bác dùng bàn này để làm việc với các đồng chí Thường vụ Trung ương. Cuối phòng kê một chiếc bàn tròn. Nơi đây Bác dùng làm bàn ăn. Trong cuộc sống hàng ngày, Bác không dành cho mình một sự ưu đãi nào. Bác là tấm gương sáng về đức tính giản dị của người cán bộ cách mạng. Bác thường ngồi làm việc trên chiếc bàn kê sát tường bọc dạ xanh màu lá mạ vừa đủ để tập giấy bút và chiếc máy chữ nhỏ Bác mang từ chiến khu về. Trong những ngày này, Bác dành nhiều thời gian và tâm trí cho việc soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Hàng ngày Bác dậy sớm tập thể dục sau đó ngồi vào bàn và đánh máy luôn bản thảo. Ban đêm, Bác cũng thức rất khuya, trầm ngâm suy nghĩ về những nội dung trong bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Sáng 29 tháng 8, Bác chuyển đến Bắc Bộ phủ làm việc, ở đây Bác tiếp tục hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau mấy ngày sốt, tuy sức khoẻ giảm sút trông thấy, nhưng sức làm việc của Bác thì vẫn phi thường. Đêm 29 tháng 8, Bác thức khuya hơn bình thường vì ngày 2 tháng 9 đã cận kề. Bác viết rồi lại sửa. Những lúc suy nghĩ căng thẳng nhất Bác thường đặt tay lên trán và đôi mắt sáng khi thì nhìn những dòng chữ như có hồn vừa được viết ra, khi thì nhìn vào đêm tối như tìm một điều gì đó mà chỉ riêng Bác mới hiểu.
Cho đến ngày 30 tháng 8, bản Tuyên ngôn Độc lập được dự thảo xong. Bác đưa ra tranh thủ ý kiến các đồng chí Trung ương.
Sáng 31 tháng 8, Bác hỏi tôi:
- Chú Cần có biết Quảng trường dự định họp mít tinh như thế nào không?
Rồi Bác bảo tôi vẽ phác bản đồ cho Bác. Xem bản đồ xong. Bác hỏi:
- Liệu được bao nhiêu người?
Tôi thưa với Bác:
- Được vài chục vạn người đấy ạ.
Bác hỏi tiếp:
- Thế các chú định bố trí để đồng bào đi vệ sinh ở đâu?
Tôi sững sờ trước câu hỏi của Bác và lúng túng không biết trả lời thế nào, thì Bác nói tiếp:
- Việc nhỏ, nhưng nếu không chú ý bố trí cho tốt thì rất đễ mất trật tự. Chú có biết không, ở Hương Cảng, công nhân lao động biểu tình thì chính quyền Anh chưa giải quyết, nhưng khi công nhân công ty vệ sinh đình công thì chính quyền Anh phải giải quyết ngay. Vì đã có tuần giải quyết chậm, rác rưởi bẩn thỉu ngập đường phố.
Tiếp đó, Bác dặn tôi nói với Ban tổ chức nếu trời có mưa thì kết thúc míttinh sớm hơn, tránh cho đồng bào khỏi bị ướt, nhất là đối với các cụ già và các cháu nhỏ.
Thật hạnh phúc biết bao cho nhân dân Việt Nam khi được biết vị đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ chỉ trước khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vài giờ vẫn chăm lo đến những cái nhỏ nhất trong đời sống.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi: khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Quảng trường Ba Đình, khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, đến đoạn tố cáo tội ác của phát xít Nhật, cả biển người im phăng phắc. Nghĩ đồng bào nghe mình nói tiếng Nghệ An không rõ và quên cả mình là Chủ tịch nước đang trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác ngừng đọc cất tiếng hỏi rất thân mật:
- Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?
Tiếng trả lời: “Có” như sấm dậy. Chưa bao giờ và chưa ở đâu, người ta lại thấy tình cảm giữa lãnh đạo cao nhất và dân chúng gần gũi và thân thương đến thế! Kết thúc cuộc mít tinh, ra về nhưng mọi người vẫn như nhìn thấy ánh mắt, vẫn như nghe thấy giọng nói ấm áp và hiền hậu của Bác.
Nguồn tin: Theo 117 câu chuyện kể về Bác Hồ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn