NGÀY ĐOÀN VIÊN NĂM 2024

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 12/2021

Thứ tư - 01/12/2021 23:04
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, là người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang cách mạng. Người đã trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Với tầm nhìn chiến lược và sự nhạy bén, ngay từ những năm 1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của một quân đội cách mạng. Người trực tiếp mở các lớp đào tạo cán bộ, lựa chọn các học viên đi học ở Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Đồng thời, viết, xuất bản nhiều sách, báo về lĩnh vực quân sự. Giữa năm 1940, Người đã giới thiệu đồng chí Võ Nguyên Giáp đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An và căn dặn “cố gắng học thêm quân sự”.
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn bể tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam và xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người vẫn tiếp tục cử đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Trung Quốc học tập “Chú Văn (tên gọi khác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) phải chú trọng thêm quân sự”.
Tại Pác Bó, từ ngày 10 - 19/5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang để chuẩn bị tranh thủ thời cơ đi từ “khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương” để “mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn giành chính quyền trong cả nước”.
Tháng 10/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho các đồng chí Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm có nhiệm vụ phối hợp với nhau cùng mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng. Người trực tiếp tham gia huấn luyện cho các đội viên. Để có tài liệu giảng dạy, Người đã biên soạn các tài liệu quân sự quan trọng như: “Mười điều kỷ luật”; “Cách đánh du kích”; “Những hiểu biết cơ bản về quân sự”; “Kinh nghiệm du kích Nga”...
Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo, lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Từ việc xây dựng đội quân chính trị của quần chúng, giác ngộ về đường lối cứu nước giải phóng dân tộc, từ các đội du kích vũ trang bảo vệ cơ sở, chống cướp phá của địch, lực lượng vũ trang tập trung dần dần hình thành. Đặc biệt, căn cứ địa Cao Bằng đã mở nhiều lớp huấn luyện quân sự về lý luận chiến tranh giải phóng, về cách đánh du kích đã trang bị cho lớp cán bộ đầu tiên của Quân đội ta những kiến thức quân sự cơ bản.
Giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng. Tháng 8/1944, Trung ương Đảng kêu gọi nhân dân “Cầm vũ khí, đuổi thù chung”. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Cuối năm 1944, nhân dân vùng Cao - Bắc - Lạng sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới... Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay, chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”.
“Hình thức thích hợp” lúc bấy giờ, theo lãnh tụ Hồ Chí Minh là thành lập đội quân giải phóng - đội quân chủ lực đầu tiên - Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ). Trong Chỉ thị thành lập Đội do Người soạn thảo, Người nói rõ: “Tên Đội VNTTGPQ nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”, nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc - Lạng, số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”; về chiến thuật “vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”.
Người bày tỏ sự tin tưởng: “Đội VNTTGPQ là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”. Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức lãnh đạo và tuyên bố thành lập đội.
Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Quảng Ba cùng Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng họp bàn, tích cực khẩn trương chuẩn bị việc chọn người và tập trung vũ khí, thống nhất kế hoạch tổ chức cụ thể.
Ngày 22/12/1944, Lễ thành lập Đội VNTTGPQ được cử hành trọng thể tại triền núi Dền Sinh, nhánh núi Slam Cao thuộc dải Khau Giáng (rừng Trần Hưng Đạo), tổng Hoàng Hoa Thám (xã Tam Kim), châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tham dự buổi lễ có đại biểu Liên Tỉnh ủy Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn, đại diện các đoàn thể Cứu quốc và đại biểu tiêu biểu đại diện cho nhân dân các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông của châu Nguyên Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn. Đội gồm 34 chiến sĩ với 34 khẩu súng các loại, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Trong số 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng (trong đó, đồng chí Xích Thắng tức Dương Mạc Thạch làm Chính trị viên). Từ đội quân chủ lực đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không ngừng phát triển, thể hiện đội quân vững vàng về chính trị, tài giỏi về quân sự, chiến đấu và chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Đó là Đội quân Anh hùng của Dân tộc Anh hùng. Quá trình hình thành, phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên Quân đội ta đã được nhân dân gọi với cái tên rất thân mật nhưng cũng rất đỗi tự hào “Bộ đội cụ Hồ”.

THEO DÒNG LỊCH SỬ
Những ngày đáng nhớ trong tháng 12

- 01/12/1958: Kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng, chống AIDS.
- 03/12: Ngày Quốc tế Người khuyết tật.
- 06/12/1989: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
- 19/12/1946: Kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.
- 20/12/1960: Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
- 22/12/1944: Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
- 22/12/1989: Kỷ niệm Ngày Hội quốc phòng toàn dân.
- 26/12/1997: Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam.
------------------------------

01/12/1958: Kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng, chống AIDS

Bệnh AIDS là gì?AIDS là tên viết tắt của cụm từ  tiếng  Anh Acquired  Immuno  Deficiency  Syndrom (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) do virus làm suy giảm miễn dịch ở người (Human Immuno-deficiency Virus – HIV) gây nên.
Virus HIV có thể phá hủy tế bào bảo vệ trong cơ thể con người gọi là CD4 – một tế bào lympho thuộc bạch huyết cầu có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lây nhiễm. Khi HIV phá hủy các tế bào lympho, hệ miễn dịch sẽ yếu đi và người bệnh không còn sức đề kháng chống lại các virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh. Do đó bệnh nhân dễ bị một số loại ung thư và nhiễm trùng cơ hội người khỏe mạnh có thể đề kháng được. Khi người bị nhiễm HIV mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội và ung thư này thì sẽ được chẩn đoán là  bị AIDS.
HIV: HIV là gì? Đây là tên gọi của virus gây tổn hại hệ thống miễn dịch của cơ thể chứ không phải là bệnh, thường không biểu hiện triệu chứng và chỉ được phát hiện khi làm xét nghiệm. Người nhiễm HIV nếu không được phát hiện kịp thời và kiểm soát tốt sẽ dễ tiến triển thành bệnh AIDS.
AIDS: Đây là giai đoạn nặng nhất của người bị nhiễm HIV, thường biểu hiện triệu chứng lâm sàng nặng của hội chứng suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, một người bị nhiễm HIV không có nghĩa là sẽ bị AIDS bởi nếu họ kiểm soát tốt sự phát triển của virus thì sẽ không tiến triển thành bệnh AIDS. Một người được chẩn đoán bị AIDS sau khi nhiễm HIV và bị nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc ung thư mà những người khỏe mạnh có thể   chống lại được.
SIDA: Nhiều người thường nhầm lẫn giữa SIDA, AIDS và HIV. Vậy SIDA là gì? SIDA (Syndrome d’Immuno Deficience Acquise) chính là bệnh AIDS. Tuy nhiên, SIDA là tên gọi trùng với tên của Tổ chức phát triển quốc tế Thụy Điển SIDA và tên của Tổ chức CIDA (Canada). Vì thế, bệnh SIDA được thống nhất đổi tên là AIDS để tránh nhầm lẫn.
Như vậy, HIV là một loài virus khi xâm nhập vào cơ thể con người thì gọi là người bị nhiễm HIV, và khi virus bắt đầu gây bệnh cho người nhiễm HIV thì được gọi là bệnh AIDS hay là bệnh SIDA (tên gọi trước đây).
Nếu một người bị nhiễm HIV và không được điều trị tốt, virus sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể và tiến triển thành AIDS.
Các triệu chứng của AIDS có thể bao gồm:
  • Sụt cân nhanh chóng.
  • Sốt tái đi tái hoặc đổ mồ hôi về đêm.
  • Mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
  • Các tuyến bạch huyết ở nách, háng hoặc cổ xuất hiện những nốt sưng kéo dài.
  • Tiêu chảy kéo dài liên tục trong hơn 1 tuần.
  • Loét miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục.
  • Viêm phổi.
  • Xuất hiện các đốm đỏ, nâu, hồng hoặc đỏ tía trên hoặc dưới da, bên trong miệng, mũi hoặc mí mắt.
  • Suy giảm trí nhớ, trầm cảm và các rối loạn thần kinh khác.
  1. Phòng, chống AIDS
Tại Việt Nam, kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến nay, nước ta đã từng bước kiểm soát được đại dịch. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí, đó là: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV ngày càng đa dạng và hiệu quả. Đồng thời với việc tiếp tục triển khai cung cấp bơm kim tiêm miễn phí tại 52 tỉnh, phát bao cao su miễn phí tại 55 tỉnh, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở 63 tỉnh/thành phố cho hơn 52.000 bệnh nhân. 03 năm gần đây, đã triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho hơn 13.000 người. Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV được triển khai đa dạng, bảo đảm tính sẵn có và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Điều trị ARV ngày càng được mở rộng, đạt chất lượng hàng đầu thế giới. Hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được thiết lập và mở rộng nhanh chóng để mở rộng độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài. Một kết quả quan trọng nữa là Việt Nam đã giảm số nhiễm HIV mới, tử vong. Tình hình HIV/AIDS giảm nhanh, ngày càng được kiểm soát tốt, đạt được các chỉ tiêu được giao; được cộng đồng quốc tế đánh gia là điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS.

Nguồn: Báo Người Lao Động



06/12/1989: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam

I. SỰ RA ĐỜI HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM
​​​​​​​1. Tình hình thế giới:
Vào cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những biến đổi to lớn và diễn biến phức tạp. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng trầm trọng, toàn diện và sâu sắc. Các thế lực thù địch quốc tế triệt để lợi dụng và tăng cường can thiệp, phá hoại, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Từ cuối những năm 80 và đầu những năm 90, công cuộc cải tổ của Liên  Xô và  các nước XHCN Đông Âu ngày càng chao  đảo do nhiều nguyên nhân khách quan và  chủ quan. Các nước này thực hiện chế độ đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập, phủ định sạch trơn quá khứ cách mạng, chĩa mũi nhọn vào Đảng Cộng sản, vào Chủ nghĩa Mác - Lênin, tung ra những tư tưởng, quan điểm xa lạ, khiến  khủng hoàng  chính trị ngày càng trầm trọng, xã hội ngày càng hỗn loạn, dẫn đến sụp đổ. Sự sụp đổ  của Liên  Xô và các nước Đông Âu là một tổn thất vô cùng to lớn đối với Phong trào Cộng sản  quốc tế, thách thức sự tồn tại của các nước XHCN còn lại do Đảng Cộng sản lãnh đạo, trong đó có Việt Nam.

2. Tình hình trong nước:

Sau khi đánh thắng giặc Mỹ xâm lược hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng ta lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong điều kiện bị Mỹ cấm vận, bao vây kinh tế, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” kích động thực hiện đa nguyên, câu kết với phần từ xấu trong nước gây mất ổn định về chính trị, hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ XHCN.
Từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế thụt giảm, lạm phát phi mã, cán cân thanh toán bị mất cân đối nghiêm trọng, thất nghiệp cao, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nước ta phải chống lại hai cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, để lại hậu quả nặng nế đối với nền kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, thách thức sự tồn tại của chế độ XHCN. Sau Đại hội VII của Đảng (1991), sự tan rã của Liên xô đã tác động sâu sắc đến nước ta. Đông đảo cán bộ và nhân dân lo lắng, một số người dao động, hoài nghi về tiền đồ của CNXH. Một lần nữa, nước ta lại đứng trước những thử thách hiểm nghèo, nhiệm vụ bảo vệ đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ đặt ra hết sức nặng nề.
3. Sự ra đời Hội Cựu chiến binh Việt Nam:
Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cả nước có trên 4 triệu cựu chiến binh (CCB), có đủ các thành phần, các thế hệ. Có những đồng chí từng tham gia các đội tự vệ Đỏ trong phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh năm 1930- 1931, tham gia Đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, du kích Ba Tơ… Nhiều đồng chí tham gia chiến đấu từ những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp, số đông trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, đã từng vào sinh ra tử, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, được rèn luyện qua thử thách và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang trong các lực lượng cách mạng, hàng triệu CCB đã trở lại hậu phương, về với gia đình, hoặc chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền hay các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học. Dù ở  đâu, giữ bất cứ cương vị nào, làm bất cứ việc gì, tuyệt đại bộ phận CCB vẫn tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, hăng hái tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước hết sức khó khăn, đông đảo CCB băn khoăn, lo lắng cho sự bảo vệ thành quả của cách mạng và sự phát triển của đất nước. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm đối với vận mệnh của Tổ quốc, nguyện vọng thiết tha của CCB lúc này là, mong muốn nhanh chóng tập hợp lực lượng CCB Việt Nam thành một tổ chức thống nhất, hợp pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để động viên nhau giữ gìn và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, có điều kiện thuận lợi tiếp tục đóng góp có hiệu quả hơn cho sự nghiệp bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN, đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ nhau khắc phục đói nghèo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của
CCB, đấu tranh chống lại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, ở một số địa phương trong nước đã xuất hiện những câu lạc bộ CCB, Ban liên lạc truyền thống, Ban liên lạc đồng đội, đồng ngũ, nhằm giúp nhau giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, giúp nhau trong cuộc sống đời thường. Nhiều ban liên lạc, câu lạc bộ CCB đã trực tiếp hoặc gián tiếp đề nghị Đảng, Nhà nước cho phép thành lập tổ chức Hội CCB trong cả nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng với quan điểm đổi mới toàn diện đất nước đã tạo điều kiện thuận lợi để thành lập Hội CCB Việt Nam.
Ngày 06/12/1989, căn cứ Tờ trình của Ban Bí thư, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định cho thành lập Hội CCB Việt Nam. Ngày 6/12 là Ngày truyền thống của CCB và Hội CCB Việt Nam.
Ngày 3/2/1990, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 100-QĐ/TW cho thành lập Hội CCB Việt Nam, chỉ định Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Hội CCB Việt Nam gồm 31 đồng chí, do đồng chí Thượng tướng Song Hào làm Chủ tịch, có nhiệm vụ dự thảo Điều lệ Hội CCB và các tài liệu khác để trình Đại hội lần thứ nhất, bầu Ban chấp hành Trung ương chính thức, giúp các tỉnh, thành phố hình thành tổ chức lâm thời, thực hiện thu nạp hội viên và chuẩn bị đại hội, làm các thủ tục cần thiết để tổ chức Hội CCB Việt Nam.
Ngày 24/02/1990 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho phép thành lập Hội CCB Việt Nam (Giấy phép số 528/NC).
Ngày 14/4/1990, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) ra Quyết định số 51-QĐ/MTTQ. Công nhận Hội CCB là thành viên của MTTQVN
Quyết định cho thành lập Hội CCB Việt Nam là một chủ trương đúng đắn của Đảng, đáp ứng đòi hỏi khách quan của tình hình cách mạng nước ta trong giai đoạn cách mạng mới. Sự ra đời của Hội CCB Việt Nam dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần, đáp ứng với sự mong mỏi, nguyện vọng thiết tha, chính đáng của CCB Việt Nam.
II. NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT QUA 32 NĂM
1. Vận động CCB giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, bảo vệ Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Hội CCB Việt Nam luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Hội. Các cấp Hội thường xuyên quan tâm quán triệt, tổ chức, vận động hội viên giữ vững bản lĩnh chính trị, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện và vận động nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; chủ động ngăn chặn, đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản động; phối hợp với các cơ quan, ngành, đoàn thể kịp thời xử lý kiên quyết, khôn khéo, hiệu quả các điểm “nóng”, phức tạp và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, động viên CCB tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh; triển khai có hiệu quả nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; xây dựng đoàn kết trong nội bộ Hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Tổ chức, động viên CCB nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp; tham gia tích cực và có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước
Các cấp hội tích cực vận động CCB phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm; sáng tạo trong lao động, sản xuất và huy động mọi nguồn lực, giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương; tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với CCB để đẩy mạnh việc giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh và bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy có không ít khó khăn, thử thách nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã do CCB làm chủ vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho CCB và con em CCB, gia đình chính sách. Có nhiều tổ hợp tác, tổ đổi công, vần công, quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, quỹ “Xoá nghèo cho hội viên”, nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả, giúp nhau xóa nghèo, phát triển kinh tế.
3. Phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các ban ngành, đoàn thể; tham gia tích cực, có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào của đất nước, địa phương
Trung ương Hội Cựu chiến binh xây dựng chương trình phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành và đoàn thể như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bộ Công an, Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Hiệp hội Doanh nhân Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức các chương trình “Tri  ân đồng đội, vang mãi khúc quân hành”, công tác đền ơn, đáp nghĩa được triển khai hiệu quả từ Trung ương tới địa phương.
Các cấp hội đã tổ chức triển khai, hưởng ứng nhiều phong trào với nội dung, hình thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả, như: Cuộc vận động “CCB Việt Nam tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các phong trào phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn; phong trào bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; chương trình xóa đói, giảm nghèo…
4. Vận động quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia tổ chức Câu lạc bộ, Ban liên lạc Cựu quân nhân, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm đối với việc vận động, tập hợp Cựu quân nhân, các cấp hội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền ở cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, thành lập Ban liên lạc, Câu lạc bộ Cựu  quân nhân ở cơ sở, đã thu hút, động viên hơn một triệu người tham gia.
5. Tham gia thực hiện tốt chế độ, chính sách; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và CCB. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên và CCB
Trung ương Hội đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng Trung ương nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh CCB và Nghị định số 157/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 150/2006/NĐ-CP; điều chỉnh và ban hành mới một số chính sách về tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm y tế, tổ chức tang lễ đối với hội viên, CCB; Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đến năm 2020 và những năm tiếp theo, các quyết định về chính sách đối với người tham gia kháng chiến… phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, hội viên và CCB.
Chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành đối với người có công; đồng thời phổ biến, triển khai thực hiện đến các tổ chức Hội, hội viên các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước mới ban hành đối với CCB, Cựu quân nhân. Phối hợp với MTTQ, các đoàn thể nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện chính sách tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập, kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết và bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Kịp thời tư vấn, giải đáp những vướng mắc về pháp luật, chế độ, chính sách cho hội viên, CCB.
6. Tích cực tham gia giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ
Các cấp hội đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tích cực tham gia giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ; phát hiện, theo dõi, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp; động viên đoàn viên, thanh niên lên đường nhập ngũ; giúp đỡ, tạo việc làm cho đoàn viên, thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
7. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước
Ngay từ khi mới thành lập, Hội rất coi trọng và tích cực mở rộng quan hệ, đối ngoại với các nước trong khu vực và thế giới; nhằm nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế như: hợp tác với Hiệp Hội CCB Quốc gia Lào và Campuchia ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả (đặc biệt Hội CCB các tỉnh, thành phố có chung đường biên giới với nước bạn). Hội duy trì trao đổi thông tin và giữ mối quan hệ chặt chẽ với tổ chức CCB các nước: Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Ma-rốc, Đức, Ba Lan, Bun-ga-ri,… góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc; tích cực tuyên truyền đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần thúc đẩy giải quyết hậu quả chiến tranh. Giữ mối quan hệ thường xuyên với các Câu lạc bộ, Ban liên lạc CCB Việt Nam ở nước ngoài để động viên CCB giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Tham gia tích cực và có trách nhiệm với các tổ chức CCB quốc tế như: Liên đoàn CCB các nước ASEAN (VECONAC), Liên đoàn CCB thế giới (WVF), Ủy ban Thường trực CCB khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (SCAP).
8. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
Các cấp Hội đã coi việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Hội, quan tâm công tác xây dựng Hội trên cả 3 phương diện: chính trị tư tưởng; tổ chức và đội ngũ cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát. Nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới, thể hiện rõ hơn vai trò, tính chất của một tổ chức chính trị - xã hội; có sự phân công trách nhiệm cụ thể, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong hành động; Hội gắn công tác xây dựng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào của địa phương, ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị. Hướng mạnh về cơ sở; coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát; tích cực đổi mới nội dung, hình thức nâng cao chất lượng sinh hoạt, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Hội. Thường xuyên quan tâm đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nói đi đôi với làm của lãnh đạo, cơ quan Hội từ Trung ương tới cơ sở, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn hoạt động của Hội.
Qua 31 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Cựu chiến binh Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2012), hai Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2002, 2009), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2017), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2005) vì đã có công lao to lớn và có nhiều thành tích xuất sắc trong công cuộc đổi mới của đất nước; đặc biệt Hội được nước CHDCND Lào tặng Huân chương Ítxala (Tự do) hạng Nhất; Hội đã có hàng trăm tập thể cá nhân của Hội được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng, trong đó có 21 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và hàng trăm tập thể, cá nhân đã được Thủ tướng Chính phủ; các ban, bộ, ngành, chính quyền các cấp khen thưởng và tặng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Nguồn: phunutinh.thaibinh.gov.vn



19/12/1946: Kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp
 
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đó là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta.Tuy nhiên vào thời điểm từ sau Cách mạng tháng Tám đến cuối năm 1946, cách mạng nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất, những thử thách nghiêm trọng. Vận mệnh nước Việt Nam như ngàn cân treo sợi tóc.
Trong tình thế hiểm nghèo của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã sáng suốt phân tích tình hình, đánh giá đúng âm mưu, hành động và khả năng của các thế lực đế quốc, xác định đường lối Kháng chiến kiến quốc, vừa kháng chiến chống xâm lược, vừa xây dựng chế độ mới. Trước âm mưu, thủ đoạn xâm lược, can thiệp trắng trợn của đế quốc và tương quan lực lượng bất lợi cho ta, chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, Đảng ta đã thực hiện chính sách hòa hoãn. Với thực dân Pháp là kẻ thù chính, ta ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Thực hiện thành công sách lược đúng đắn đó, ta đã giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, đuổi quân Tưởng cùng bọn tay sai về nước, tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Bội ước Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, thực dân Pháp đã tấn công các phòng tuyến của quân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Quân Pháp nắm quyền kiểm soát thuế quan ở Hải Phòng, nhanh chóng làm chủ Hải Phòng, đẩy quân đội Việt Nam ra khỏi thành phố. Cùng với việc đánh chiếm Hải Phòng, quân Pháp cũng tiến công đánh chiếm Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm vào cơ quan đầu não của ta ở Thủ đô Hà Nội.
Quân đội Pháp đã liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi ở Hà Nội trong các ngày 15, 16 tháng 12/1946. Ngày 17/12, quân Pháp cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, đặc biệt chúng đã gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh.
Ngày 18/12/1964, tướng Morlière gửi cho ta tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội.
Ngọn lửa chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp bùng cháy trên toàn quốc là điều không thể tránh được nữa vì Pháp quyết định sẽ châm ngòi vào ngày 20/12/1946.
Tình thế khẩn cấp đòi hỏi Đảng, Nhà nước - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có một sự chọn lựa lịch sử, phải kịp thời có một quyết định chiến lược để chuyển xoay vận nước đang lâm nguy.
Ngày 17/12/1946, Hội đồng Chính phủ đã họp với sự có mặt của Trưởng ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo tình hình quân sự diễn ra ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng cùng âm mưu mở rộng chiến tranh ở Hà Nội và các nơi khác của thực dân Pháp.
Ngày 18 và 19/12/1946 tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Hồ Chí Minh chủ trì, đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng.
Chiều 19/12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã công bố mệnh lệnh chiến đấu, hạ lệnh cho toàn thể các lực lượng vũ trang phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước; chính thức phát lệnh cho các chiến trường nổ súng đồng loạt.
Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, công nhân nhà máy đèn Bờ Hồ phá máy, đèn điện toàn thành phố phụt tắt. Quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Giờ cứu nước đã đến! Pháo của ta từ Láng, từ Xuân Tảo trút căm hờn vào đầu giặc Pháp đóng ở trong thành. Các chiến lũy được củng cổ vững chắc. Cây bị chặt đổ, cột đèn bị ngả xuống, các toa xe điện nằm chắn ngang đường. Trong khói lửa mù mịt, nhân dân Hà Nội người nào việc nấy, dốc sức cho cuộc chiến đấu với quân thù.
Giặc Pháp cho xe bọc sắt và bộ binh đến đánh úp đơn vị quân ta đóng ở trụ sở liên lạc Việt-Pháp. Với tinh thần “Quyết tử để cho Tổ Quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngăn chặn bước tiến của chúng. Những đoàn xe của Pháp từ trong thành ra vấp phải chướng ngại vật trên đường phố, di chuyển rất chậm chạp. Lợi dụng thời cơ đó, tự vệ cùng nhân dân từ trên gác cao quăng giường tủ xuống đường, ném lựu đạn, lao bom, nã súng như đổ lửa vào đầu giặc. Ở nhà máy đèn Bờ Hồ, trong chớp nhoáng, công nhân cùng bộ đội đã diệt toàn bộ quân địch đóng ở đây, không để một tên sống sót. Ở Bắc Bộ phủ, trụ sở của Chính quyền Bắc kỳ khi đó (nay là Nhà khách Chính Phủ, số 12 Ngô Quyền), chiến sĩ ta chiến đấu ngoan cường suốt đêm đến sáng. Các quyết tử quân ôm bom ba càng lao vào phá hủy chiến xa địch. Hàng loạt bom, lựu đạn từ các cửa sổ tung xuống đầu giặc, làm cho chúng khiếp vía. Hơn 20 nam nữ công nhân nhà Bưu điện Bờ Hồ cùng đơn vị Vệ quốc đoàn ở đó đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Trong suốt một ngày, địch không thể nào chiếm nổi nhà bưu điện, quân ta tiêu diệt 122 người, 2 xe tăng, 2 xe vận tải, 1 xe zíp. Trận đánh ở đầu cầu Long Biên đã diệt 70 tên địch, phá hủy 4 xe tăng, 2 xe vận tải. Nhiều trận giao chiến quyết liệt diễn ra ở nhà máy Yên Phụ, đầu phố Hàng Lọng (đường Nam Bộ), ga Hàng Cỏ, Đồn Thủy, Phà Đen, trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An), nhà máy bia...
Ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến trường kỳ đã diễn ra ở Hà Nội như vậy. Tại các thành phố khác, cuộc kháng chiến chống Pháp cũng bùng nổ vào đêm 19 tháng 12. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta đã giam chân địch, ngăn chặn bước tiến của chúng, tạo thời cơ thuận lợi cho việc chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Ngay giữa lúc tiếng súng kháng chiến toàn quốc đang rền vang ở Hà Nội và trên toàn quốc, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp cả nước qua Đài phát thanh. Người kêu gọi:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm! Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!”
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, làm cho cả nước đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ chính trị dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Có thể nói, ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch hai tháng, để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ. Việc nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19/12 giữa Thủ đô là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện một nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng thật đúng đắn, quả cảm và sáng tạo.
74 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết nhất trí đánh giặc, giữ nước, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc.

Nguồn: baotang.thanhhoa.gov.vn


 

























































































































 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

VĂN BẢN MỚI

TÀI LIỆU ĐẠI HỘI

TÀI LIỆU ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LHTN VIỆT NAM TP. BẢO LỘC NHIỆM KỲ 2024-2029

Thời gian đăng: 13/03/2024

lượt xem: 208 | lượt tải:146

TÀI LIỆU ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LHTN VIỆT NAM PHƯỜN

TÀI LIỆU ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LHTN VIỆT NAM PHƯỜNG LỘC SƠN NHIỆM KỲ 2024-2029

Thời gian đăng: 28/01/2024

lượt xem: 225 | lượt tải:216

TÀI LIỆU ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LHTN VIỆT NAM XÃ ĐẠ

TÀI LIỆU ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LHTN VIỆT NAM XÃ ĐẠI LÀO NHIỆM KỲ 2024-2029

Thời gian đăng: 22/01/2024

lượt xem: 204 | lượt tải:325

TÀI LIỆU ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LHTN VIỆT NAM XÃ ĐA

TÀI LIỆU ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LHTN VIỆT NAM XÃ ĐAMB'RI NHIỆM KỲ 2024-2029

Thời gian đăng: 17/01/2024

lượt xem: 219 | lượt tải:481

TÀI LIỆU ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LHTN VIỆT NAM PHƯỜNG

TÀI LIỆU ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LHTN VIỆT NAM PHƯỜNG 1 NHIỆM KỲ 2024-2029

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 238 | lượt tải:332
tallieusinhhoatchidoan1
LOGOTD
vb twdoan
b4
cam nang
LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Thống kê
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay2,004
  • Tháng hiện tại25,729
  • Tổng lượt truy cập1,703,282
Vì biển đảo quê hương
Liên kết Website
connectfb
Top
top


Down
down
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây