Thành đoàn Bảo Lộc | Trang thông tin điện tử

http://tuoitrebaoloc.vn


TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 11/2019

Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 11/2019
TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 11/2019
 
Chuyên mục: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bác Hồ với những lời dạy với giáo viên, học sinh Việt Nam
Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta lại cùng nhau nhớ về những lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác, những mong mỏi của Bác đối với đội ngũ giáo viên, học sinh của cả nước. Mỗi lời Bác để lại đều trở thành động lực to lớn để lớp lớp giáo viên, học sinh quyết tâm giành thắng lợi sự nghiệp giáo dục có những bước phát triển mới theo tư tưởng và triết lý về giáo dục đậm chất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Những người anh hùng vô danh”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Để phát triển nền giáo dục nước nhà, Bác Hồ luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người viết: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em Nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác Hồ nhắc lại các thầy, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên 3 điểm sau: Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.
Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.
Thứ ba, các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn. Đề cao sứ mệnh của thầy cô giáo, trong thư Bác viết: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.
Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã và đang hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục. Năm 1982 đã lấy ngày 20/11 hàng năm làm Ngày Nhà giáo Việt Nam, thông qua nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, quan tâm và tạo điều kiện cho đông đảo đội ngũ thầy giáo, cô giáo được đào tạo chính quy, nâng cao chất lượng đời sống để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác.
Niềm hi vọng to lớn ở thế hệ trẻ của đất nước
Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho các em thiếu niên, nhi đồng – thế hệ trẻ của đất nước. Với Người, thế hệ trẻ chính là những mầm non, là niềm hi vọng cho đất nước phát triển tiến bộ, văn minh, hiện đại. Trong bức thư Bác gửi học sinh trong ngày khai trường vào tháng 9/1945 ngay sau ngày Bác đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác viết: Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Trong thời đại hiện nay, thời đại sức mạnh của trí tuệ, khoa học - công nghệ và kinh tế - văn hóa đóng vai trò quyết định. Việt Nam với những chính sách mở cửa tích cực, đã và đang có những cơ hội hội nhập tốt nhất. Vì vậy, để nước Việt Nam phát triển được như Bác Hồ mong muốn đòi hỏi mỗi người phải có trí tuệ, hiểu biết khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, có khả năng đi tắt đón đầu. Điều đó chỉ thành hiện thực khi chủ nhân của đất nước là những người có tri thức, đủ năng lực hòa nhập với trình độ văn hóa của thế giới. Do đó, hơn lúc nào hết, thế hệ học sinh hôm nay cần phải ra sức học tập, tu dưỡng trở thành người có tài và có tâm, đủ năng lực để hội nhập đưa đất nước tiến lên, phù hợp với bước tiến của thời đại.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Đây vừa là yêu cầu tất yếu có tính thời đại, trong xu thế toàn cầu hóa, vừa là đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước ta; đồng thời đó cũng là nhu cầu của chính nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc... Qua đó, sẽ góp phần “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ  Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân”. Con người Việt Nam sẽ phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, sống đẹp và làm việc hiệu quả.
Từ bức thư đầu tiên (9/1945) cho tới bức thư cuối cùng (10/1968), những lời của Bác đã trở thành di sản vô giá, là báu vật thiêng liêng của dân tộc ta, đất nước ta nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng. Mỗi lời nói đó đã khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau.
Trích: http://www.bqllang.gov.vn/
   
THEO DÒNG LỊCH SỬ
 
 

Những ngày đáng nhớ trong tháng 11

- 07/11/1917: Kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga.
- 09/11/1946: Quốc hội khóa I kỳ họp thứ hai thông qua Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
- 18/11/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.
- 20/11/1982: Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
- 23/11/1940: Kỷ niệm Ngày Khởi nghĩa Nam kỳ.
- 23/11/1946: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam.


 

Nguồn tin: Thành Đoàn Bảo Lộc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây