Thành đoàn Bảo Lộc | Trang thông tin điện tử

http://tuoitrebaoloc.vn


TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 10/2019

Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 10/2019
TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 10/2019

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,
 ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
 
CHUYÊN ĐỀ
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ THEO
TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
(Tài liệu dành cho đoàn viên, thanh niên năm 2018, ban hành kèm theo
Công văn số 724 -CV/TWĐTN-BTG, ngày 14/5/2018
của Ban Bí thư Trung ương Đoàn)
                                                  ------------------
 
Phần thứ hai
THANH NIÊN VIỆT NAM THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
 

          Từ tháng 2-1955, trong bài viết “Bảo vệ tài sản công”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các ngành giáo dục cần phải bồi dưỡng cho thanh niên thói quen tiết kiệm, bảo vệ của chung; chống lãng phí xa hoa, xem khinh lao động”[1]. Như vậy, vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí đối với thanh niên không chỉ là một yêu cầu cần được giáo dục mà còn phải rèn luyện để tạo thành thói quen trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Trên thực tế, có rất nhiều thanh niên thực hiện tốt lời Bác dạy về tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng vẫn còn những thanh niên thực hiện chưa tốt, đang còn lãng phí thời gian, sức khỏe, tài năng… Gần đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 217/QĐ-TTg, ngày 13 tháng 02 năm 2018 về việc ban hành chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, càng cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí.
          Thanh niên là một lực lượng năng động, sáng tạo, giàu nghị lực, có lý tưởng cao đẹp, có thể đảm đương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ khó khăn, nặng nề nhất khi cách mạng giao phó. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” và “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[2]. Do vậy, thanh niên càng phải là lực lượng đi tiên phong trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tình hình hiện nay, thanh niên cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực sau đây:   
            1. Tích cực học tập tư tưởng và tấm gương mẫu mực của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
          Có thể nói, hiện nay thanh niên là lực lượng có vai trò cực kỳ quan trọng mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bởi vì kết quả học tập và làm theo Bác của thanh niên có tác động to lớn đến tương lai đất nước và ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ tiếp theo. Thanh niên cần được trang bị thế giới quan duy vật, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và phương pháp luận biện chứng, nhận thức đúng về vai trò của mình để có tư tưởng, hành động cách mạng tiến công, từng bước hình thành, hoàn thiện và phát triển toàn diện nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, thanh niên không chỉ tìm hiểu những bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí mà cần sưu tầm, ghi nhớ những câu chuyện cảm động, mẫu mực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác và sinh hoạt đời thường của Người.
          Từ những vấn đề lý thuyết và tấm gương thực tế sinh động của Hồ Chí Minh để thanh niên tự soi mình, sửa mình và rèn luyện, tạo được thói quen cho bản thân làm theo lời Bác dạy, phấn đấu trở thành tấm gương sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để cho người khác học theo, làm theo, làm gương sáng dìu dắt thiếu niên nhi đồng, tức là dìu dắt tương lai của dân tộc. Như Người từng viết: “thanh niên nói chung phải gương mẫu trong sản xuất, trong học tập, trong việc giữ vững kỷ luật và cải thiện đời sống của công nhân”[3].
            2. Chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý chí quyết tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thanh thiếu nhi.
Thanh niên không chỉ có nhiệm vụ tích cực học tập và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà cần phải tích cực tuyên truyền nhằm làm cho nhiều người trong xã hội, trước hết là những người xung quanh mình có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích to lớn  của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như tác hại của lãng phí đối với bản thân, gia đình và toàn xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy mọi người tích cực hơn trong học tập và làm theo Bác.
          Thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, là lực lượng kế thừa và tiếp bước các thế hệ đi trước để thúc đẩy xã hội phát triển, đồng thời là lực lượng dìu dắt thiếu niên, nhi đồng. Trong mọi công việc, thanh niên luôn thi đua thực hiện khẩu hiệu: ““Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”[4]. Bởi vậy, mọi việc làm, hành động của thanh niên đều có tác động lớn đến tình hình đất nước, tạo ảnh hưởng rộng trong xã hội. Mỗi khi thanh niên tích cực thực hành tiết kiệm, đồng thời tuyên truyền tinh thần đó cho xã hội, đặc biệt là đối với tầng lớp thiếu nhiên nhi đồng, càng có ý nghĩa lớn lao, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Thanh niên cần tập trung tuyên truyền học tập tấm gương Hồ Chí Minh trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua những mẩu chuyện, những lời dạy của Người. Chú ý phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các gương điển hình thanh thiếu nhi hoặc các cơ sở Đoàn, Hội, Đội có những ý tưởng, sáng kiến, cách làm hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Muốn việc làm đó có hiệu quả, thanh niên cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục thông qua nhiều hình thức như: các buổi sinh hoạt chính thức hoặc tổ chức sinh hoạt chuyên đề, các buổi dã ngoại, hoạt động vui chơi giải trí, sử dụng bản tin, sổ tay chi đoàn. Tổ chức giao lưu, giới thiệu, tuyên dương các gương sáng điển hình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các cấp bộ đoàn chủ động xây dựng hệ thống mẫu băng rôn, áp phích, tranh ảnh, đồ họa thông tin, đoạn phim ngắn… và phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, cổ động trực quan cho đoàn viên, thanh thiếu nhi nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Từ đó, tạo sức lan tỏa rộng khắp, tạo nên một hệ thống gồm nhiều tấm gương điển hình thanh thiếu niên về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cống hiến tích cực cho xã hội, đất nước và gia đình.
            3. Tích cực rèn luyện các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”, tạo lập các phong trào thi đua sôi nổi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thanh niên.
“Cần, kiệm, liêm, chính”, vốn dĩ là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Người đã dạy: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”[5]. Đối với mỗi cá nhân, kiệm là một trong chuỗi phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”. Có kiệm thì mới có liêm, có liêm thì mới có chính. Kiệm là tiền đề, điều kiện để con người vươn tới liêm và chính. Đối với cả dân tộc, tiết kiệm là sức mạnh mềm - sức mạnh của văn hóa và đạo đức. Do đó, thanh niên muốn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần phải đặt nó trong chuỗi các phẩm chất mới tạo nên tính hiệu quả thiết thực, trọn vẹn.
          Thanh niên cần tích cực tham gia các phong trào của Đoàn, Hội, các hoạt động xã hội, xung kích, tình nguyện, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong từng hành động, việc làm cụ thể, “tuy việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn”. Để mỗi thanh niên tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả hoạt động của Đoàn, Hội, Đội cần phát động các phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những chỉ tiêu cụ thể, thiết thực. Coi đây là nội dung quan trọng trong chương trình hành động của thanh niên và lấy kết quả đó làm một tiêu chí đánh giá, xếp loại, khen thưởng đoàn viên hằng năm.
          Cá nhân thanh niên cần tích cực tham gia các phong trào thi đua lớn. Vận động các cơ sở đoàn, đoàn viên thanh niên trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp đi đầu thực hành tiết kiệm, làm gương cho đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia. Thực hiện chi tiêu tiết kiệm văn phòng phẩm, vật dụng văn phòng, chi phí điện, nước, đèn, quạt, máy lạnh, điện thoại… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, lưu trữ văn bản, tài liệu, thông tin liên lạc, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước tiết kiệm, chi đúng thực tế. Chủ động tiết kiệm chi phí trong tổ chức hoạt động, thực hiện phương châm tổ chức hoạt động theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực, không xa hoa, lãng phí nhưng vẫn đạt hiệu quả. Tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên hàng đầu sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước, không đua đòi, xa hoa lãng phí. Các cơ sở đoàn mạnh dạn đăng kí thực hiện thí điểm cuộc vận động, thi đua trong đoàn viên, thanh niên ý thức đi làm, đi học, hội họp, sinh hoạt đúng giờ; rèn luyện tác phong công nghiệp, dùng thời gian rỗi vào việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, giảm thời gian “tán gẫu” trên mạng xã hội.
            4. Gắn nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức Đoàn, Hội.
          Tùy theo vị trí công việc, sinh hoạt trong tổ chức, cơ quan, đon vị cụ thể mà mỗi thanh niên cần có trách nhiệm, việc làm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho phù hợp. Nhưng nhất thiết phải luôn đề cao ý thức bảo vệ của công, coi trọng lao động, có ý thức công cộng tốt, gương mẫu trong cơ quan, đơn vị, địa phương, chi đoàn, chi hội...
          Đối với thanh niên là học sinh, sinh viên, học tập kiến thức, tích cực tu dưỡng đạo đức, rèn luyện sức khỏe, có lối sống lành mạnh, không vướng vào tệ nạn xã hội… chính là một cách thực hành thức tiết kiệm, chống lãng phí thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội… Bên cạnh đó, cần có việc làm thiết thực gắn với mỗi ngày đến trường như: tiết kiệm thời gian, tiết kiệm điện, nước cho nhà trường, không viết vẽ bậy trên bàn ghế, trên tường, không xả rác bừa bãi trong lớp học, không bẻ gãy cây xanh, dẫm đạp lên cỏ cây trong khuôn viên của nhà trường…
          Đối với thanh niên công chức, viên chức, việc thực hiện tốt chuyên môn theo chức trách là nhiệm vụ chủ yếu, cần phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần đổi mới phương pháp công tác, đổi mới lề lối làm việc, hội họp gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng công việc; dùng thời gian rỗi để tham gia hoạt động có ích, tận dụng tối đa. thời gian vào việc có ích. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cơ quan, đơn vị bằng những việc làm thiết thực như: không đi muộn về sớm; hoàn thành tốt nhiệm vụ theo tiến độ; tiết kiệm giấy mực cho cơ quan; sử dụng điện nước một cách hợp lý… Thực hiện chi tiêu, kiểm tra sổ sách rõ ràng, tránh tổ chức hoạt động lãng phí, không hiệu quả.
          Đối với thanh niên lực lượng vũ trang, biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm; tích cực rèn luyện, phấn đấu, quyết tâm bảo vệ biên cương, Tổ quốc, giúp đỡ nhân dân, đồng bào nơi đóng quân…
          Đối với thanh niên nông thôn cần chăm chỉ làm việc, không bỏ hoang ruộng đất, hạn chế các hoạt động đàn đúm, rượu chè, đình đám, tích cực thực hiện và vận động người thân thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới, giảm bớt hủ tục ở địa phương; tranh thủ thời gian rãnh rỗi sau thời điểm mùa vụ để tìm kiếm thêm việc làm tăng thu nhập, hoặc học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng lao động sản xuất; tích cực sáng tạo trong lao động, sản xuất để ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động nông nghiệp…
          Đối với thanh niên công nhân cần có ý thức tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu cho nhà máy, xí nghiệp nơi mình làm việc, có nhiều việc làm hữu ích cho doanh nghiệp. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho công ty, xí nghiệp bằng những việc làm thiết thực như: thực hiện tốt nội quy, hoàn thành công việc đảm bảo tiến độ, không bỏ việc tùy tiện, bảo vệ tài sản máy móc công xưởng; thường xuyên cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, năng suất lao động…
          Đối với doanh nhân trẻ, cùng với việc học tập kiến thức trên lĩnh vực kinh doanh, tài chính, ngân hành, luật kinh tế, kinh tế quốc tế… là những đòi hỏi để khởi nghiệp và xây dựng thành công doanh nghiệp thì cũng cần có kế hoạch giáo dục cho thanh niên trong công ty thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi tiết kiệm cho công ty cũng là tiết kiện của bản thân và xã hội.
            5. Rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch, sử dụng thời gian hợp lý, nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi sinh hoạt cá nhân và ở nơi công cộng
          Thanh niên biết cách lập kế hoạch làm việc một cách khoa học, có tính chủ động, sáng tạo cũng là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đó chính là cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học, gắn với yêu cầu của thực tiễn và điều kiện lịch sử. Độc lập thì không lệ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Tự chủ là chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm trước dân, trước nước, biết làm chủ bản thân và công việc, sẵn sang từ bỏ những gì mà thực tiễn kiểm nghiệm là sai hoặc là những cái cũ mà nay không còn phù hợp nữa để tiến tới đề xuất cái mới đáp ứng được thực tiễn cuộc sống đang đặt ra.
          Trong công việc và cuộc sống hằng ngày, cần có kế hoạch cụ thể, tránh tùy tiện “đến đâu tính đó”, từ bỏ lối suy nghĩ “được chăng hay chớ”, “đến hẹn lại lên”; biết phân bổ thời gian, công sức, tiền bạc hợp lý cho từng công việc; xác định được nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của mình ở từng giai đoạn, thời điểm, cương vị công tác để đầu tư thời gian, công sức phù hợp, đem lại kết quả tốt. Trong trình bày, diễn đạt cần tiết kiệm lời, nói và viết ngắn gọn nhưng thông tin nhiều, nói đi đôi với làm, tốt nhất là nói ít làm nhiều. Người dạy: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”[6]. “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói”[7].
Cần tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như quá đà chơi điện tử, nói chuyện phiếm trêm zalo, facebook, mà tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vu, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống… Hiện nay, một bộ phận thanh niên chưa quan tâm đúng mức việc chăm lo bảo vệ sức khỏe, đang lãng phí trí tuệ, chưa cống hiến xứng đáng cho xã hội. Tránh quán sá, rượu bia la đà, thức thâu đêm cho những việc không cần thiết, lười lao động, lười thể dục thể thao. Có nhiều thanh niên mua sắm vật dụng, phương tiện cá nhân đắt tiền quá khả năng tài chính của bản thân. Phung phí, đầu tư tiền bạc, công sức không cần thiết vào một số việc làm vô bổ, thiếu thiết thực, trong khi đang cần đầu tư cho việc học tập, nghiên cứu chuyên môn, lập nghiệp.
          Thanh niên nên thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng nhằm góp phần giảm thiểu chi phí; có ý thức tái sử dụng các nguyên vật liệu, hạn chế chất thải ra làm ô nhiễm môi trường. Tích cực xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, có hành động tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
          Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng nền tảng để sớm cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó đang triển khai nhiều chương trình, dự án xây dựng và phát triển vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nhằm sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền ngược, đồng bằng và vùng núi… nên đang rất cần huy động sức mạnh xung kích, tình nguyện, sáng tạo, tiết kiệm ở thanh niên. Do vậy, việc thanh niên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí càng có ý nghĩa thiết thực. Đó cũng là một mục tiêu phấn đấu để thanh niên thi đua cống hiến, rèn luyện, thử thách, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân giao phó./.
 

THEO DÒNG LỊCH SỬ -  NGÀY NÀY NĂM ẤY

- 01/10/1991: Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người Cao tuổi.
- 10/10/1954: Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ Đô.
- 13/10: Ngày Doanh nhân Việt Nam
- 14/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
- 15/10/1956: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
- 15/10/1930: Kỷ niệm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng.
- 20/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
 

LỊCH SỬ HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM

          Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 27/9/1945, tại Đại hội Đoàn thanh niên Cứu quốc thành phố Hà Nội, Bác Hồ đã chỉ thị phải hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Đứng trước yêu cầu đó, ngày 27/3/1946, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 38 về việc thành lập Nha Thanh niên và Thể thao. Cùng vào thời gian trên, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh Niên Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam phục vụ sự nghiệp“Kháng chiến cứu quốc".
          Tháng 6/1946, Tổng đoàn thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn thanh niên Việt Nam, là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên Việt Nam yêu nước, tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn thanh niên cứu quốc làm nòng cốt; Cuối năm 1946, Liên đoàn thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới.
          Tháng 2/1950, Liên đoàn thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại căn cứ địa Việt Bắc trong khói lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các đại biểu từ khắp các vùng miền của Tổ quốc về dự. Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự. Phát biểu tại Đại hội, Bác Hồ kính yêu đã ân cần căn dặn: Phải thực hiện đoàn kết, đại đoàn kết trong phong trào thanh niên, phải giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Tại Đại hội các đại biểu đã bầu anh Nguyễn Chí Thanh làm chủ tịch Liên đoàn thanh niên Việt Nam (đồng chí Nguyễn Chí Thanh nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt nam là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên với vai trò nòng cốt của Đoàn thanh niên cứu quốc. Sau Đại hội, Liên đoàn thanh niên Việt Nam đã động viên lớp lớp thanh niên hăng hái tham gia các phong trào thi đua tòng quân giết giặc lập công, đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch, đấu tranh chống khủng bố, chống đàn áp, chống bắt lính đòi tự do dân chủ, hòa bình trong các đô thị lớn như Hà nội, Huế, Sài gòn... với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” theo tiếng gọi “Lên đàng” của non sông đất nước.
          Ngày 8/10/1956, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Nhà hát lớn - Thủ đô Hà Nội, Đại hội đã thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam với tên gọi chung là Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Ngày 15/10/1956, Đại hội đã vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự. Huấn thị tại Đại hội, Bác Hồ căn dặn: “Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua góp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, để mình làm chủ mai sau”. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương Hội gồm 52 anh, chị do Bác sĩ - Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch.
          Tháng 12/1961 Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà NộiĐại hội vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu đến dự, Bác dạy rằng: “Bác yêu mến thanh niên.
- Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng .
- Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc.
- Vì trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên...”
          Đại hội đã bầu Giáo sư Phan Huy Thông làm Chủ tịch Hội và phát động thanh niên tích cực tham gia thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ra sức ủng hộ, chi viện cho cuộc đấu tranh của đồng bào và thanh niên miền Nam.
          Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Nam Bắc xum họp một nhà, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đoàn, tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 20 và 21/9/1976, Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức hội nghị thống nhất mặt trận thanh niên trong cả nước. Đây là sự kiện chính trị trọng đại trong phong trào thanh niên nước ta. Lần đầu tiên tại thành phố mang tên Bác kính yêu, đoàn đại biểu Hội LHTN Việt Nam gặp gỡ đoàn đại biểu Hội LHTN Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng nhau bàn việc thống nhất mặt trận đoàn kết thanh niên lấy tên chung là Hội LHTN Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn thể thanh niên Việt Nam. Hội nghị thông qua Điều lệ mới của Hội LHTN Việt Nam và hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội gồm 96 anh, chị do giáo sư Lê Quang Vịnh làm Chủ tịch Hội.
Tháng 9/1988, Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam họp tại Hà Nội đã tiến hành kiện toàn Ủy ban Trung ương Hội, Anh Hà Quang Dự, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa V) được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội thay Giáo sư Lê Quang Vịnh nhận nhiệm vụ mới.
        Ngày 08/12/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. 400 đại biểu chính thức đã về dự Đại hội; Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội sửa đổi và hiệp thương chọn cử anh Hồ Đức Việt làm Chủ tịch Hội. Đại hội quyết định lấy ngày 15/10/1956 là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam. Tại hội nghị Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam cuối năm 1997, chị Trương Thị Mai - Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương giữ chức Chủ tịch Hội thay anh Hồ Đức Việt nhận nhiệm vụ mới.
         Từ ngày 13 đến ngày 15/01/2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, 599 đại biểu tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, thanh niên cả nước đã về dự Đại hội. Đại hội diễn ra vào thời điểm dân tộc ta cùng cả nhân loại bước vào thời khắc lịch sử chuyển giao giữa hai thế kỷ. Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội sửa đổi và quyết định đề ra năm cuộc vận động là: “Học tập, sáng tạo vượt bậc vì sự nghiệp  công nghiệp hoá, hiện đaị hoá đất nước", "Giúp nhau lập nghiệp vì dân giàu, nước mạnh", "Thanh niện tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, "Vì chủ quyền tổ quốc, vì cuộc sống bình yên", "Xây dựng nếp sống văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đại hội đã hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai - Bí thư Trung ương Đoàn giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam.
Tại  kỳ họp Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 5 (khóa IV) ngày 15/2/2003 đã hiệp thương kiện toàn Ủy ban Trung ương Hội, Đoàn Chủ tịch và Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội, anh Hoàng Bình Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay chị Trương Thị Mai nhận nhiệm vụ mới.
          Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ ngày 25 đến 27/02/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, tham dự Đại hội có 798 đại biểu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ngành, đoàn thể của Trung ương và Hà Nội, các cán bộ chủ chốt của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội qua các thời kỳ, ngoại giao đoàn và gần 40 đoàn đại biểu quốc tế đã đến dự, chỉ đạo và chia vui với Đại hội. Đại hội diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và kế hoạch 5 năm (2001 - 2005). Đại hội đã tổng kết công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ IV và đề ra phương hướng công tác Hội nhiệm kỳ V, thông qua Điều lệ Hội sửa đổi, hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội khóa V gồm 135 anh chị; anh Nông Quốc Tuấn - Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa V.
          Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 5 - khóa V năm 2008 đã hiệp thương chọn cử anh Võ Văn Thưởng, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay anh Nông Quốc Tuấn nhận nhiệm vụ mới.
          Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VI, sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của thanh niên Việt Nam được tổ chức trong 2 ngày 26 và 27/4/2010 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 995 đại biểu đại diện cho khối đại đoàn kết các tầng lớp thanh niên của 54 dân tộc anh em. Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VI gồm 158 thành viên; anh Nguyễn Phước Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa V được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2010 - 2015.
          Ngày 24/01/2013, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lần thứ 7, khóa VI. Tại Hội nghị, anh Phan Văn Mãi, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được các đại biểu tín nhiệm hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VI thay anh Nguyễn Phước Lộc nhận nhiệm vụ mới.
           Ngày 30/6/2014, tại Hà Nội, Hội nghị T.Ư Hội LHTN Việt Nam lần thứ 10 (Khóa VI) đã hiệp thương kiện toàn chức danh Chủ tịch, Đoàn Chủ tịch, ủy viên Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam khóa VI. Tại Hội nghị, anh Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VI, thay anh Phan Văn Mãi chuyển công tác.
         Với những cống hiến xuất sắc của các thế hệ cán bộ, hội viên và các tầng lớp thanh niên Việt Nam, Hội LHTN Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1999 và Huân chương Hồ Chí Minh năm 2005 vì “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, vận động thanh niên tham gia các phong  trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
         Trong 3 ngày 27-29/12/2014, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014-2019 đã diễn ra. Đại hội có sự tham dự và chỉ đạo của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể; và sự tham gia của 800 đại biểu chính thức là cán bộ Hội viên xuất sắc và thanh niên tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực trong và ngoài nước.
         Trong nhiệm kỳ 2014 - 2019, với khẩu hiệu hành động “Thanh niên Việt Nam - Đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, xung kích, tình nguyện vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Hội LHTN Việt Nam sẽ phát động thanh niên cả nước phong trào “Tôi yêu tổ quốc tôi”, tập trung triển khai công tác củng cố và phát triển tổ chức Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.
          Với tinh thần trách nhiệm, tập trung, Đại hội cũng đã hiệp thương nhất trí cử 157 anh chị tham gia Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019. Anh Nguyễn Phi Long, Bí thư T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam khóa VI được Đại hội hiệp thương bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019.
         Chiều ngày 19/7/2018, Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 9 (mở rộng), khóa VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 đã diễn ra tại Kiên Giang. Tại Hội nghị, các đại biểu đã hiệp thương chọn cử kiện toàn chức danh Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019. Anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam được các đại biểu hiệp thương chọn cử làm tân Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 thay anh Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chuyển công tác khác.
 

LỊCH SỬ NGÀY 20/10 - NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM

Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước với nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp nên phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính. Bên cạnh đó, nước ta luôn luôn bị kẻ thù xâm lược, đời sống nghèo khổ. Từ thực tế đó mà người phụ nữ Việt Nam có bản sắc phong cách riêng: họ là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm; là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hoá dân tộc; là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.
Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai...
Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ như:
- Năm 1927 nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ.
- Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh.
- Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.
- Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã. Ngày 01/5/1930, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.
- Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
Chính vì vậy mà ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".

 

 

 

Nguồn tin: Thành Đoàn Bảo Lộc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây