Thành đoàn Bảo Lộc | Trang thông tin điện tử

http://tuoitrebaoloc.vn


Hồ Chí Minh và bài học trọng dụng nhân tài

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, nhiều trí thức có tài, có đức như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Trần Đại Nghĩa, Huỳnh Thúc Kháng…, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều tín phục Bác Hồ, một lòng đi theo cách mạng và đã đóng góp phần tích cực nhất của đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Hồ Chí Minh và bài học trọng dụng nhân tài

Bài học trước hết và xuyên suốt cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh - một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng - có một sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn và khoa học về vai trò người trí thức nói chung, người tài đức nói riêng trong lịch sử. Sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn đó xuất phát từ thực tiễn đất nước và xã hội Việt Nam, trong đó chủ nghĩa yêu nước truyền thống là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; đứng đầu bảng thang giá trị văn hóa Việt Nam. Sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn đó cũng bắt nguồn từ lợi ích chung của Tổ quốc và dân tộc, vì mục tiêu cao cả: Độc lập -Tự do - Hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thống nhất giữa lời nói với việc làm. Khẳng định Đảng rất trọng trí thức và trí thức, nhân tài không bao giờ thừa, chỉ có thiếu mà thôi, cả cuộc đời Người quyết tâm thực hiện bằng được quan điểm đó. Nhất quán tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định “ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là ta đoàn kết với họ”, Người để lại bài học lớn trong việc dùng nhân tài là “ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Khi bàn về cách trọng dụng nhân tài của Bác, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói, đó là “khéo nhen chút than hồng, nó sẽ cháy thành lửa ngọn”.

Muốn trọng dụng được nhân tài, phải có lòng nhân ái. Có lòng độ lượng, rộng rãi thì mới có thể đối với người tài đức một cách chí công vô tư, không có thành kiến. Tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng như biển cả, bao dung cảm hóa tất cả mọi người. Cách dùng người của Người là “hạ mình cho vừa tầm mọi người Việt Nam để nâng đỡ mọi người Việt Nam lên đến tầm Người” như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết. Mặt khác, phải có bản lĩnh, sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa người tài đức.

Muốn dùng nhân tài phải biết quý trọng nhân tài, nhưng trước hết phải biết phát hiện, lựa chọn và hiểu biết nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách phát hiện, lựa chọn nhân tài rất độc đáo, đó là “gửi thư cho đồng bào kêu gọi ai có tài năng và sáng kiến về những công việc kiến quốc, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chính phủ sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”. “Quy trình” tìm kiếm nhân tài của Người không máy móc, cứng nhắc một phía từ tổ chức, mà luôn biết khai thác trí tuệ, tài năng trong mấy chục triệu đồng bào với một thái độ thật sự cầu thị, chân thành. Với suy nghĩ đất nước không thiếu người tài đức, chỉ vì “Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân”, Người thành thực nhận khuyết điểm về mình và muốn khắc phục khuyết điểm bằng cách trọng dụng những kẻ hiền năng. Người đề nghị các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo ngay cho Chính phủ biết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn xa, trông rộng, biết nhìn người, biết dùng người. Muốn dùng được người tài, phải biết phân loại người tài. Không phải ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy phải tùy tài mà dùng người, xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Bài học không thành công trong sử dụng nhân tài mà Người thường nhắc tới là “thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng”.

Bản thân con người Hồ Chí Minh có một sức hấp dẫn mạnh mẽ, kỳ diệu, khả năng chinh phục lớn lao. Người đến với những người tài đức bằng tất cả sự chân thành, cảm thông và tin tưởng, không một chút định kiến. Cụ Huỳnh Thúc Kháng - một bậc trí thức yêu nước có uy tín lớn trước cách mạng đã tâm sự: “Chí thành, năng động, tấm lòng thành của Cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển huống là tôi”. Luật sư Phan Anh tâm sự rằng “tôi rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng nhân hậu và bao dung của Bác, vì thấy Bác không lấy việc tôi đã tham gia chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật làm điều, mà vẫn cho tôi là một trí thức yêu nước và trọng dụng”. Hoàng Minh Giám, một trí thức lớn lên trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, trong trường học của thực dân, tâm sự: “Sức cảm hóa của Bác thật là kỳ diệu. Vì Bác rất giản dị, chân thật, đầy lòng nhân đạo, nhân ái”.

Người tài đến với Bác vì họ thấy mình trong Bác, “thấy sự thanh thản cho lương tâm người trí thức” như bác sĩ Hồ Đắc Di đã nói. “Sự thanh thản trong lương tâm người trí thức” mà bác sĩ Hồ Đắc Di nói đến bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho người tài sống trong một môi trường dân chủ “dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, một môi trường mà mọi người tài xứng đáng làm chủ vận mệnh đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân, đem tài năng của mình phụng sự Tổ quốc. Trong môi trường đó không có sự đố kỵ, kèn cựa, chạy theo địa vị, tiền tài, danh vọng; chỉ có sự bàn bạc trao đổi dân chủ, thẳng thắn, thoải mái để làm được nhiều việc tốt, có điều kiện cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Cách trọng dụng nhân tài của Bác nhiều khi là bài học vô ngôn. Trí thức, nhân tài đến với Bác đôi lúc chỉ dưới ánh sáng đôi mắt của Bác như bác sĩ Tôn Thất Tùng kể lại: “Một hôm tôi được gọi gấp đến thăm bệnh cho một lão đồng chí. Bước vào Bắc Bộ phủ, tôi gặp một ông già gầy, xanh nhưng có đôi mắt rất sáng. Đó là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Và từ cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, tâm hồn tôi đã chuyển biến theo cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một học trò xuất sắc của Bác đã viết: “Mắt Hồ Chủ tịch cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người nhiều lần lắm đã đành, nhưng sáng hơn vì Người biết nhìn, nên nhìn thấy những cái mọi người không nhìn thấy: hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to”.

Sự ứng xử tinh tế, văn hóa, có tình có nghĩa, trên cái nền trí tuệ siêu việt, bản lĩnh cũng là một bài học lớn trong việc trọng dụng nhân tài của Bác. Tướng Nguyễn Sơn, một vị tướng huyền thoại, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, một chiến sĩ quốc tế xuất sắc kể lại câu chuyện về tấm danh thiếp của Bác Hồ tặng ông năm 1948: “Hồ Chủ tịch phái Thứ trưởng Phạm Ngọc Thạch vào chủ trì lễ phong quân hàm cho mình. Trước đây mình có ý định không nhận cấp Thiếu tướng. Nhưng với thái độ xử sự của ông Cụ qua tấm danh thiếp mười hai chữ ông Cụ gửi mình khiến mình tỉnh ra nhiều, và có nhiều điều suy nghĩ khác trước. Chỉ có mấy chữ ấy thôi mà sao nó lay động tâm tư mình thế, và sao mà Bác ân cần cặn kẽ thế! Thật là uyên thâm, thật là chí tình! Mười hai chữ đó là: Đảm dục đại. Tâm dục tế. Trí dục viên. Hành dục phương (gan phải cho to, lòng phải trong sáng, suy nghĩ phải trọn vẹn toàn diện, hành động phải ngay thẳng).

Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định “phát triển giáo dục và đào tạo nhằm bồi dưỡng nhân tài”. Từ những bài học lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, cần suy nghĩ một cách nghiêm túc, thấu đáo, vận dụng và phát triển sáng tạo để có thể trọng dụng nhân tài một cách có hiệu quả nhất. Nhân tài không chỉ từ một nguồn giáo dục và đào tạo, mà còn từ đời sống thực tiễn, trong số hơn 90 triệu đồng bào. Muốn có nhân tài, phải điều tra, phát hiện, lựa chọn, hiểu biết rồi mới bồi dưỡng và quan trọng nhất là trọng dụng, tức là phải quý trọng thật sự và khéo dùng họ đúng tài, xứng việc. Phải học lại “quy trình” công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm thật sự, không dừng lại ở câu chữ trên nghị quyết hoặc làm “đúng quy trình” một cách máy móc, hình thức, để lọt những cán bộ phẩm chất kém vào bộ máy. Đối với nhân tài, phải chân thực, thành tâm, tạo môi trường dân chủ để họ phát huy hết tài năng cống hiến cho đất nước và dân tộc. Bản thân người sử dụng nhân tài phải hiểu biết nhân tài, phải có đạo đức “dĩ công vi thượng”. Thiếu tâm, thiếu tầm, thiếu đức, thiếu trí tuệ, bản lĩnh sẽ không bao giờ biết quý trọng nhân tài, có được nhân tài và dùng được nhân tài./.

Nguồn tin: Sưu tầm Internet (THĐ)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây